Theo bình luận của "Thời báo Tài chính" (Anh), khi Saudi Arabia - quốc gia có vai trò hàng đầu trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác dầu của tổ chức này ở mức 30 triệu thùng/ngày tại cuộc họp vừa tổ chức ở Vienna (Áo), Riyadh đã gửi đi một thông điệp tới thế giới: Thị trường, chứ không phải OPEC, quyết định giá dầu toàn cầu. Vậy lý do nào giúp Saudi Arabia có thể đưa ra quyết định như vậy? Sau quyết định của OPEC, giá dầu liên tục lao dốc và xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng trong tuần này. Đây được coi là cơ hội lớn đối với Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới bởi vì lâu nay Riyadh vẫn phải cố gắng kiểm soát thị trường dầu thế giới thông qua việc điều chỉnh sản lượng khai thác.
Lâu nay Riyadh vẫn phải cố gắng kiểm soát thị trường dầu thế giới thông qua việc điều chỉnh sản lượng khai thác. |
Giờ đây, Saudi Arabia quyết định theo đuổi chính sách không chỉ giúp nước này bảo vệ thị phần của mình trong dài hạn mà còn báo trước "cái kết" sắp tới của OPEC với tư cách là một tổ chức thống nhất và có tiếng nói tập thể trong các quyết định xuất khẩu.
Mặc dù quyết định của Saudi Arabia không được phần lớn các nước xuất khẩu dầu và các tập đoàn năng lượng quốc tế lớn chào đón, song Riyadh có lý do để đưa ra cách tiếp cận này. Giới lãnh đạo Saudi Arabia lâu nay vẫn nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của năng suất khai thác dự phòng.
Do vậy, nước này đã chi ít nhất 10 tỷ USD trong một thập kỷ qua nhằm duy trì năng suất khai thác dự phòng 2 triệu thùng/ngày và mức này có thể đạt được gần như ngay lập tức. Không nước nào có ý chí chính trị và tầm nhìn xa để làm việc này, vì thế Saudi Arabia thực hiện một mình, đi ngược lại với ý muốn của phần lớn các nước xuất khẩu dầu mỏ khác như Nga, Iran và Venezuela.
Quyết định trên sẽ có tác động lớn về mặt chính trị và kinh tế đối với một số đối thủ của Saudi Arabia. Trong ngắn hạn và dài hạn, giá dầu giảm mạnh sẽ vô hiệu hóa cái mà Saudi Arabia coi là những hành động địa chính trị mang tính phá hoại của những nước này ở khu vực Trung Đông.
Từ góc nhìn nội bộ của Saudi Arabia, việc giá dầu giảm là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Chi phí khai thác dầu của Saudi Arabia khá thấp, do đó nước này vẫn có thể kiếm được lợi nhuận cao từ việc khai thác dầu thô bất chấp giá giảm sâu. Trên thực tế, với kỹ thuật khai thác mới, Saudi Arabia thậm chí có thể cắt giảm hơn nữa chi phí sản xuất, trong khi phương pháp kéo dài "tuổi thọ" của các giếng dầu trở nên hiệu quả hơn.
Saudi Arabia hiện có dự trữ ngoại tệ lên tới 900 tỷ USD, do đó, tài chính công của nước này có thể "miễn nhiễm" trước những tác động tiêu cực do doanh thu xuất khẩu dầu sụt giảm mạnh. Hơn nữa, Saudi Arabia có vẻ như đang muốn đưa chủ nghĩa hiện thực về quyền lực dầu thô trở lại với thị trường năng lượng toàn cầu. Điều này có nghĩa là Saudi Arabia đặt lợi ích an ninh quốc gia lâu dài của nước này lên trên tất cả.
Saudi Arabia cũng cho rằng giá dầu giảm sẽ giúp nước này giữ được thị phần trong bối cảnh hoạt động khai thác dầu đá phiến đang phát triển mạnh ở Mỹ. Cuộc cách mạng về công nghệ này sẽ cung cấp cho thị trường thế giới thêm hàng triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, do chi phí khai thác dầu từ đá phiến khá cao nên khi giá dầu giảm, một số nhà sản xuất lớn của Mỹ sẽ tự nhận thấy mô hình kinh doanh của họ sẽ không phù hợp trong trung hạn và dài hạn.
Tất nhiên, mục đích của Saudi Arabia là kiềm chế chứ không phải loại bỏ hoàn toàn hoạt động khai thác dầu từ đá phiến nhằm đảm bảo sự "hạ cánh mềm" cho thị trường năng lượng toàn cầu khi giá dầu tăng trở lại. Hiện nay, Saudi Arabia nắm khoảng 25% trữ lượng dầu mỏ của thế giới, chiếm 85% năng suất khai thác dự phòng toàn cầu và là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Vì vậy, Saudia Arabia luôn có cách tiếp cận chừng mực và dài hạn trong việc thực hiện chính sách năng lượng, ngược lại với các nước OPEC khác. Thông qua các dự báo doanh thu dựa trên mức giá bình quân và lượng dầu xuất khẩu khác nhau, Saudi Arabia có thể để giá dầu giảm xuống mức trung bình 60 USD/thùng trong vòng ít nhất là 5 năm.
Sẽ là sai lầm nếu nghi ngờ quyết tâm chính trị của Saudi Arabia thực hiện chính sách mới này trong kỷ nguyên dầu mỏ hiện nay. Quyết định của Saudi Arabia cũng cho thấy OPEC ngày càng mất đi vai trò quan trọng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Các nước thành viên OPEC khác và các nước ngoài OPEC vốn không có khả năng tăng lượng dầu xuất khẩu và thiếu ý chí chính trị cũng như năng lực tài chính để cắt giảm sản lượng như Iran, Iraq, Venezuela, Nga, Mexico và Nigeria sẽ trở thành các "khán giả" thụ động trong kỷ nguyên mới này.
Theo kịp những thực tiễn thay đổi nhanh chóng trên thị trường năng lượng, Saudi Arabia nhận thức được rằng thị trường sẽ là yếu tố quyết định "cuộc chơi". Những nước xuất khẩu dầu chưa hiểu về sự thay đổi này và chưa thích nghi được với thực tiễn mới sẽ phải gánh chịu hậu quả và đối mặt với kết cục không mong muốn.
Huy Hiệp