Giới chuyên gia Canada đánh giá 'khủng hoảng' giá dầu

Là quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt, Canada đang bị ảnh hưởng không nhỏ từ việc giá dầu xuống thấp hiện nay. Mà trực tiếp là các dự án xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ bờ biển Thái Bình Dương của Canada.

Đầu tháng 12/2014, Petronas, công ty dầu khí quốc doanh Malaysia, đã quyết định dừng dự án Pacific NorthWest LNG, trị giá 32 tỷ USD tại tỉnh British Columbia. Petronas tính toán sẽ xây dựng cảng biển này để vận chuyển năng lượng mua của Canada sang các nước châu Á.

Trước đó, Tập đoàn BG đã quyết định từ bỏ kế hoạch xây dựng một cảng xuất khẩu khí đốt khác cũng trên bờ biển Thái Bình Dương của Canada. Và hiện tại, tập đoàn Chevron cũng đang cân nhắc lại việc triển khai dự án Kitimat LNG.

Bên cạnh việc giá dầu giảm, giới chuyên gia kinh tế Canada dự báo nhu cầu LNG tại châu Á, thị trường mục tiêu của các công ty xuất khẩu năng lượng Canada, có thể sẽ yếu hơn. Nguyên nhân là việc Nhật Bản có khả năng tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến nhu cầu LNG toàn cầu, do Nhật Bản hiện là nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang thấp hơn dự báo và khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng sụt giảm.

Hoạt động sản xuất dầu cát tại Fort McMurray, Alberta, Canada. Ảnh: ideastream.org.


Mới đây, Trung Quốc đã ký hai hợp đồng mua khí đốt tự nhiên lớn với Nga. Nếu các hợp đồng trên được hoàn tất và các đường ống dẫn khí đốt được xây dựng, đến năm 2020, Nga sẽ cung cấp 17% nhu cầu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc. Tất cả những xu hướng này đang thu hẹp thị trường cho LNG của Canada.

Các chuyên gia kinh tế Canada cũng đánh giá, việc giá dầu giảm liên tục và có chủ ý của các nước OPEC sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình địa chính trị thế giới. Nếu kéo dài, có thể làm tăng nguy cơ mất ổn định chính trị tại một số nước xuất khẩu dầu lửa. Với những quốc gia này, thu nhập từ dầu lửa sụt giảm đồng nghĩa với việc không còn khả năng chi cho chính sách xã hội.

Đó là trường hợp của Venezuela, Nigeria, Iraq, Iran, Algeria, Libya. Các nước này chỉ đạt được cân đối thu chi ngân sách nếu giá một thùng dầu thô vượt qua mức 100 USD. Nga cũng bị thiệt hại nặng nề bởi hơn một nửa nguồn thu ngân sách là từ xuất khẩu nhiên liệu. Việc giá dầu giảm cùng với các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây sẽ khiến khó khăn của Nga nặng nề hơn.

Từ góc nhìn của các chuyên gia này, giá dầu giảm sẽ tác động tới nền kinh tế toàn cầu chứ không chỉ riêng các nước xuất khẩu dầu mỏ, bởi các nền kinh tế thế giới trong thời đại toàn cầu hoá vốn rất lệ thuộc vào nhau. Chẳng hạn như nếu kinh tế Nga bị chao đảo bởi giá dầu, thì kinh tế Đức cũng chịu tác động, mà "đầu tàu" Đức gặp khó khăn thì tất nhiên kinh tế châu Âu cũng sẽ lao đao.

Hoặc là nếu các nước vùng Vịnh lâm vào khủng hoảng vì dầu lửa, thì thị trường xuất khẩu châu Âu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mỹ đang phát triển khai thác khí đá phiến với chi phí khai thác khí rất đắt đỏ. Trong dài hạn, nếu dầu lửa còn ở mức giá như hiện nay là khoảng 80 USD/thùng, thì các nhà sản xuất Mỹ sẽ thiệt hại 15 tỷ USD. Canada cũng là nước xuất khẩu dầu cát, nhưng giá dầu phải ở mức tối thiểu là 90 USD/thùng thì các nhà sản xuất mới có lãi.

Với những diễn biến vừa qua, một số chuyên gia Canada đã nhận định việc giá dầu giảm phần nhiều từ động cơ chính trị, quyết định của OPEC nhằm làm suy yếu các đối thủ của phương Tây như Nga và Iran.


Lê Hoàng
(P/v TTXVN tại Canada)

Giá dầu thô lao dốc xuống mức thấp kỷ lục mới
Giá dầu thô lao dốc xuống mức thấp kỷ lục mới

Thị trường nhiên liệu thế giới ngày 12/12 tiếp tục chứng kiến đà rớt giá nghiêm trọng của dầu thô, xuống mức thấp kỷ lục mới trong nhiều năm qua.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN