Nhiều biện pháp khắc phục thẻ vàng của Liên minh Châu Âu

Ngày 24/11, tại Thanh Hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tổng kết khai thác cá vụ Nam năm 2017, triển khai kế hoạch khai thác cá vụ Bắc năm 2017-2018.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư, Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Kinh tế - Quy hoạch thủy sản và 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước.

Trong vụ cá Bắc năm 2017-2018, ngành thủy sản cả nước phấn đấu khai thác 1.484 nghìn tấn, trong đó có 1.374 nghìn tấn khai thác hải sản xa bờ, 110 nghìn tấn khai thác nội địa. Để tổ chức khai thác tốt trong vụ cá Bắc năm 2017-2018 các địa phương trong cả nước cần chỉ đạo ngư dân sản xuất trên biển theo nghề và hoạt động theo mô hình, tổ đội, trong đó tập trung chỉ đạo nghề lưới vây, chụp mực, lưới rê đáy, câu đối với vùng biển Vịnh Bắc Bộ; nghề lưới câu cá ngừ đại dương, nghề câu, lưới vây, lưới rê, chụp khai thác cá nổi đối với vùng biển duyên hải miền Trung; và lưới rê, lưới vây và kéo khai thác ở vùng biển khơi đối với vùng biển Đông Tây Nam Bộ.

Các địa phương tập trung triển khai đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, trong đó nắm chắc số lượng tàu thuyền trên các ngư trường, theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết đặc biệt khi có thời tiết xấu để thông tin cho các tàu về bờ và tìm nơi neo đậu an toàn đồng thời thực hiện tốt việc kiểm tra đăng ký, đăng kiểm, tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến cho cán bộ và ngư dân về nâng cao nhận thức về các quy định của việc đảm bảo an toàn cho người và tàu cá.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty thủy sản Trung Sơn (Kiên Giang). Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN

Để triển khai các biện pháp khắc phục "thẻ vàng" về IUU của EU, thời gian tới, ngành thủy sản tập trung thực hiện Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua; trong đó thực hiện tốt việc điều tra nguồn lợi thủy sản 5 năm/lần làm cơ sở khoa học để tổ chức lại khai thác thủy sản và điều chỉnh hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản;

Thành lập Kiểm ngư Trung ương và 28 tỉnh thành ven biển để kiểm tra, kiểm soát hoạt động tài cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Xây dựng hệ thống khu bảo tồn biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Tăng chế tài xử lý các vi phạm hành chính về thủy sản; Việc cấp phép tàu khai thác phải dựa trên trữ lượng nguồn lợi và khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi; Thành lập Quỹ bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản.

Ngành thủy sản quy hoạch đội tàu khai thác phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản, không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đóng mới ngoài quy hoạch và các tàu cá vi phạm các quy định về IUU (tên viết tắt của các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý).

Bên cạnh đó, phải xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng để ngư dân khai thác trái phép ở các vùng biển của các nước thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Tổng cục Thủy sản nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống thu thập, quản lý dữ liệu nghề cá từ Trung ương xuống địa phương, hoàn thành cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về đăng ký tàu thuyền, hoạt động khai thác cũng như sản lượng lên bến.

Ngành thủy sản tại các địa phương tăng cường hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản hợp pháp trên các vùng biển chồng lấn, giáp ranh với các nước trong khu vực cũng như tập huấn, phổ biến, hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện nghiêm việc ghi nhật ký khai thác thủy sản và báo cáo khai thác thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy sản sẽ tăng cường đàm phán, ký kết thảo thuận hợp tác về thủy sản và tổ chức đưa tàu cá Việt Nam sang khai thác hợp pháp ở vùng biển quốc tế và của các nước trong khu vực theo đề án Khai thác viễn dương. Đồng thời thiết lập đường dây nóng để xử lý các tình huống, sự cố xảy ra trên các vùng biển giáp ranh. Việt Nam sẽ tham gia đầy đủ các diễn đàn hợp tác đa phương, các tổ chức quản lý nghề cá quốc tế và hợp tác song phương với các quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2017, định hướng kế hoạch năm 2018 và vụ cá Bắc năm 2017-2018, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa, tiếp tục tổ chức sản xuất theo tổ đoàn kết, tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu cá kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, cũng như hướng dẫn ngư dân về điều kiện đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển.


"Thanh Hóa sẽ thực hiện nghiêm việc đăng kiểm tàu cá, kiên quyết không cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá khi không đủ điều kiện an toàn. Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm soát các tàu cá khai thác trên biển và xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản", ông Quyền nói.
  
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định: "Để triển khai tốt vụ cá Bắc năm 2017-2018, các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thủy sản các địa phương cần tổ chức tốt việc huy động lực lượng phương tiện, nghề nghiệp đánh bắt, tổ chức có hiệu qủa việc thực thi các chính sách của Trung ương và địa phương. Ngành Thủy sản Việt Nam phải quyết liệt hành động, thực hiện mọi cách để trong vòng 6 tháng thoát ra khỏi thẻ vàng, lấy lại thẻ xanh của Liên minh Châu Âu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch hành động quốc gia và rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp, ngư dân...".

Trong năm 2017, tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Nam đạt 1.865 nghìn tấn, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 1.723 nghìn tấn, sản lượng khai thác thủy sản nội địa đạt 142 nghìn tấn.

Đến hết tháng 10/2017 có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để nâng cấp, đóng mới tàu. Trong 3 năm 2015-2017 tổng số ngân sách nhà nước phân bổ đầu tư xây dựng các công trình cho ngành thủy sản cả nước là hơn 4.000 tỷ đồng trong đó phân bổ trực tiếp cho các địa phương quản lý chiếm hơn 70%...

Hoa Mai (TTXVN)
Luật Thủy sản (sửa đổi): Đã luật hóa những cam kết của Việt Nam về IUU
Luật Thủy sản (sửa đổi): Đã luật hóa những cam kết của Việt Nam về IUU

Luật quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng khai cho phép khai thác. Đây là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003 nhằm phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN