Nhiều chủ 'tàu 67' ở Khánh Hòa gặp khó với vốn vay ngân hàng

Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa (Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa) đã giải ngân để ngư dân đóng mới, nâng cấp 20 tàu cá với số tiền cam kết cho vay 210 tỷ đồng, chiếm hơn 60% trong tổng số tàu được cho vay vốn theo chủ trương này trên địa bàn toàn tỉnh.

Tàu cá được đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/NĐ-CP. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Tuy nhiên, hơn 10 ngư dân là chủ tàu được vay vốn theo kênh nói trên vừa có đơn tập thể gửi đến nhiều cơ quan chức năng của địa phương và cả Trung ương, để “cầu cứu” vì việc trả nợ gốc vay tại Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa gặp khó khăn do ngân hàng phân bổ các kỳ hạn trả nợ không đồng đều và khá cao trong giai đoạn đầu.

Ngư dân Trần Văn Đạt, trú tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang cho biết, ông tham gia đóng chiếc “tàu 67” bằng vật liệu composite, số hiệu KH 92179 TS, giá trị hơn 11 tỷ đồng; trong đó được vay vốn hơn 10 tỷ đồng và phải trả gốc, lãi trong vòng 15 năm.

Theo chu kỳ trả nợ gốc, ngân hàng chia số nợ của ông thành 3 kỳ, mỗi kỳ 5 năm. Trong 5 năm của chu kỳ đầu tiên, mỗi quý ông phải trả 330 triệu đồng và quý IV là 210 triệu đồng. Số tiền ngân hàng chia như vậy đã làm khó cho ngư dân vì không thể trả được, nguy cơ nợ xấu không tránh khỏi.

Ông Đạt cho biết, nghề biển hiện còn rất khó khăn, từ khi hạ thủy và đi vào hoạt động tháng 9/2017 đến nay, nếu chia trung bình mỗi tháng đi biển, tàu ông chỉ lãi khoảng 50 triệu đồng, như vậy mỗi quý được 150 triệu. Trong khi ngân hàng yêu cầu ông phải trả mỗi quý 330 triệu đồng.

Ông Đạt cho rằng, nếu ngân hàng chia đều 10 tỷ đồng cho 15 năm thì mỗi tháng ông chỉ trả hơn 150 triệu tiền gốc. Ban đầu, ngân hàng đưa ra cho ông lịch trả nợ, 3 quý đầu của 1 năm, đóng 230 triệu đồng/quý, còn quý cuối đóng 160 triệu đồng, nên ông hoàn toàn đồng ý.

Nhưng sau đó, ngân hàng mời ông lên làm việc lần 2 đưa ra lịch trả nợ, cứ 3 quý đầu đóng 240 triệu đồng/quý, còn quý cuối đóng 170 triệu đồng. Do số tiền thay đổi không đáng kể nên ông cũng nhất trí với lịch trả nợ mà ngân hàng đưa ra, vì nghĩ có thể đảm bảo.

Tuy nhiên, đến khi ngân hàng mời ông lên lần 3 để thay đổi lịch trả nợ và đưa ra mức 3 quý đầu đóng 330 triệu đồng/quý, còn quý cuối đóng 210 triệu đồng trong 4 năm đầu (từ 31/3/2018 đến 30/9/2021) thì ông Đạt không đồng ý.  Ông Đạt nói: "Với mức chia như thế chúng tôi biết chắc là không thể trả nợ theo cách này được. Bởi thu nhập đi biển và cân đối nguồn thu, chi chúng tôi biết, nhưng ngân hàng nhất quyết không chịu".

Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Phi chia sẻ, ông cũng tham gia đóng “tàu 67” bằng vật liệu composite, giá trị chiếc tàu hơn 8 tỷ đồng; trong đó, được vay vốn 7,8 tỷ đồng và trả trong 15 năm. Do ngân hàng chia lịch trả nợ gốc phân bổ không đồng đều, những năm đầu tiên thu hồi nợ với số tiền rất cao, nên rất khó trả nợ ở thời kỳ đầu. Riêng ông mỗi quý ngân hàng cũng đề nghị trả hơn 200 triệu đồng, trong khi đi biển mỗi tháng chỉ thu được hơn 40 triệu đồng. Phía ngân hàng cho biết, nếu để xảy ra nợ xấu các hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 sẽ không được hưởng nữa. 

Ngư dân Phạm Minh Hoàng, ngụ ở phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang đặt vấn đề: "Tại sao ngân hàng không đưa ra cơ cấu trả nợ ngay từ đầu để ngư dân tính toán? Khi chúng tôi đóng tiền vốn đối ứng, thiết kế bản vẽ và hợp đồng đóng tàu xong, ngân hàng mới đưa ra lịch trả nợ. Ngân hàng đưa tôi vào thế “chuyện đã rồi” nên đành ký vào hợp đồng. Bởi nếu không, tôi sẽ mất hơn 1 tỷ đồng tiền đối ứng vì đã hợp đồng với xưởng đóng tàu."

Không chỉ có ông Đạt, ông Phi và ông Hoàng, mà nhiều chủ “tàu 67” vay vốn tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Khánh Hòa cũng đang kiến nghị thay đổi cơ cấu trả nợ theo hướng phân bổ đều mỗi kỳ, nhằm giảm áp lực và phù hợp khả năng trả nợ của họ.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, cho biết, việc cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP là chủ trương lớn của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã và luôn tuân thủ theo đúng các quy định của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của Agribank. Về việc định kỳ hạn trả nợ gốc, Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa thực hiện theo đúng quy định của Agribank. Cụ thể, nguồn trả nợ được tính toán trên cơ sở số tiền khấu hao của dự án được trích hàng năm (theo tỷ lệ vốn ngân hàng tham gia cho vay) và lợi nhuận của dự án mang lại.

Về mức trích khấu hao, Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa căn cứ theo Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về trích khấu hao tài sản, tùy theo loại tài sản để tính thời gian trích khấu hao phù hợp.

Theo đó, tàu cá vỏ composite 20 năm; đối với phương tiện vận tải thủy có thời gian khấu hao tối đa 15 năm; máy thủy mới 100% là 15 năm; máy phát điện mới 100% là 15 năm; đã qua sử dụng là 10 năm; hệ thống cứu hỏa - hút khô - làm mát - nước sinh hoạt, các trang thiết bị hàng hải - thông tin - cứu sinh, mới 100% là 7 năm; ngư lưới cụ 5 năm.


Với việc tính toán thời gian trích khấu hao như trên, nên trong thời gian 5 năm đầu số tiền khấu hao sẽ nhiều hơn những năm sau, do các khoản mục khấu hao ngư lưới cụ, các thiết bị hàng hải... có thời gian khấu hao ngắn. Vì vậy, số tiền thu hồi nợ trong các kỳ hạn của 5 năm đầu sẽ cao hơn các năm sau.

Trả lời câu hỏi, nếu ngư dân có nguyện vọng chia đều khoản vay để trả trong vòng 15 năm, khi đó đảm bảo ngân hàng có thể thu hồi nợ, ngư dân cũng có khả năng trả nợ thì ngân hàng có điều chỉnh không, ông Nguyễn Xuân Huy có văn bản trả lời khách hàng. Theo đó, đối với các trường hợp tàu cá thực sự đánh bắt không có hiệu quả, ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân từng trường hợp cụ thể và sẽ xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trong trường hợp này, theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP, khách hàng sẽ không được hỗ trợ lãi suất trong thời hạn cơ cấu.

Ông Huy cho biết thêm, trong số 11 khách hàng ký tên trong đơn đề nghị, có trường hợp đang được ngân hàng tiếp tục giải ngân để thực hiện dự án, chưa định kỳ hạn trả nợ. Khi tàu chưa đi vào hoạt động nhưng cũng ký tên vào đơn kiến nghị, là chưa mang tính thực tiễn, thiếu khách quan.

Tuy nhiên, theo ngư dân, các chủ “tàu 67” khác khi vay tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV Chi nhánh Khánh Hòa), lịch trả nợ được phân bổ đều mỗi kỳ trong vòng 15 năm. Và họ đặt câu hỏi: tại sao chúng tôi lại không được trả nợ như vậy.

Một lãnh đạo Ngân hàng BIDV chi nhánh Khánh Hòa cho biết, chu kỳ trả nợ được tính toán và thỏa thuận giữa ngư dân với ngân hàng. Việc tính toán khấu hao tài sản chia đều từng năm nhằm tạo điều kiện cho ngư dân trả nợ. Nếu chia những năm đầu cao, những năm sau thấp mà ngư dân không có khả năng trả những năm đầu sẽ dễ dẫn đến nợ xấu.

Theo các ngư dân, việc điều chỉnh lại cơ cấu thời gian và mức trả nợ không chỉ đảm bảo thu hồi nợ vốn vay cho Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, mà còn tạo điều kiện cho ngư dân ổn định cuộc sống, yên tâm bám biển, tránh nguy cơ nợ xấu xảy ra.

Tiên Minh (TTXVN)
Tàu cá đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP khai thác hiệu quả
Tàu cá đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP khai thác hiệu quả

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, các tàu cá đóng mới và nâng cấp từ nguồn vốn Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đều đảm bảo chất lượng và khai thác đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực đánh bắt hải sản xa bờ và tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN