Trước tình hình trên, Chi cục cũng đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật các huyện phối hợp với các địa phương tích cực điều tra thăm vườn tiêu, hướng dẫn nông dân phòng, trừ kịp thời không để lây lan bệnh chết nhanh, chết chậm ở cây tiêu trên diện rộng.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng khuyến cáo nông dân, khi cây tiêu bị bệnh bà con không nên quá tin tưởng vào người bán phân, thuốc ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật mà mua các loại thuốc về phun vô tội vạ để rồi "tiền mất, tật mang".
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu.
Theo đó, Cục cũng khuyến cáo bà con trước hết phải chọn giống tiêu tốt, khỏe không bị bệnh, ít nhiễm bệnh, canh tác trên vùng đất thoát nước tốt trong mùa mưa, xung quanh vườn tiêu bà con nên đào mương thoát nước theo ô bàn cờ độ sau 40-50cm, nếu đất dốc thì đào mương thoát nước theo hình xương cá.
Đối với tiêu trồng trên đất vườn đã từng bị bệnh chết nhanh, chết chậm cần được xử lý kỹ với vôi bột và thuốc bảo vệ thực vật trừ tuyến trùng mới được trồng lại…
Việc xử lý các trụ tiêu bị bệnh nhẹ cần được xử lý ngay; còn đối với các trụ tiêu bị bệnh nặng và cây tiêu đã chết nhanh chóng tiến hành thu gom, tiêu hủy cây bệnh và vệ sinh vườn tiêu sạch sẽ. Bên cạnh đó, phải xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học trước khi trồng lại...