Đây là chủ trương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua đầu tư hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, từ chủ trương đến triển khai vẫn rất khó khăn, khiến người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi.
Tạo trục kết nối
Để kết nối các khu vực Bắc, Tây Bắc của thành phố với các khu vực trung tâm, TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt đầu tư nhiều dự án tạo thành trục kết nối như Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 15…
Tại huyện Củ Chi, tuyến đường Tỉnh lộ 8 (đoạn từ cầu Thầy Cai đến Tỉnh lộ 9) có tổng chiều dài 22,5 km, với lộ giới quy hoạch là 40m. Nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng UBND huyện Củ Chi đã triển khai nâng cấp, mở rộng một số đoạn với tổng chiều dài 8,8 km.
Hiện trên toàn tuyến còn 13,7 km (từ Tỉnh lộ 2 đến cầu Bà Bếp) đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư đảm bảo nhu cầu giao thông hiện tại khu vực. Trong đó, đoạn từ cầu kênh N31A đến ngã tư Tân Quy dài 8 km, dự kiến được nâng cấp, mở rộng từ tháng 10/2019 - 12/2020, nếu có mặt bằng; hiện đang hoàn thiện lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, dự kiến các đoạn còn lại sẽ triển khai trong năm 2019 và hoàn thành năm 2020. Về lâu dài, căn cứ nhu cầu giao thông trên tuyến và khả năng huy động, cân đối các nguồn lực của thành phố, Sở sẽ phối hợp cùng UBND huyện Củ Chi xem xét, đề xuất đầu tư đồng bộ toàn tuyến theo quy mô quy hoạch được phê duyệt.
Trên địa bàn huyện Hóc Môn, vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đã phê duyệt Quyết định đầu tư Dự án Tỉnh lộ 9 (tên mới là Đặng Thúc Vịnh) đoạn từ đường Lê Văn Khương đến đường Tô Ký (huyện Hóc Môn) có chiều dài 5,2 km, hiện rộng chỉ 7-8 m sẽ được mở rộng lên 30 m.
Tổng mức đầu tư cho công trình là hơn 698 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố. Hiện dự án đã được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Đơn vị này đang tiến hành lựa chọn nhà thầu xây lắp để tiến hành khởi công xây dựng vào cuối năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019.
Ngoài ra, Dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 9 trên địa bàn huyện Củ Chi, đoạn từ cầu Rạch Tra đến Tỉnh lộ 8 (tên mới Hà Duy Phiên), với tổng chiều dài khoảng 5,76 km. Chiều rộng mặt đường hiện hữu là 6-7 m sẽ được mở rộng lên 30 m cho đồng bộ với đoạn thuộc huyện Hóc Môn. Khi Dự án hoàn thành sẽ giúp kết nối trục Hóc Môn - Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) với thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) qua cầu Phú Cường.
Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 (Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh), khi hoàn thành mở rộng hai đoạn trên (Hà Duy Phiên và Đặng Thúc Vịnh), Tỉnh lộ 9 sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch khu vực Tây Bắc, nối thông quận 12 với huyện Hóc Môn và Củ Chi. Đây cũng sẽ là tuyến đường giúp người dân các địa phương trên kết nối nhanh chóng với trung tâm thành phố cũng như các quận lân cận.
“Chắp vá” chờ triển khai
Với các chủ trương đầu tư Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 15, Tô Ký… sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội địa bàn vùng ven phía Tây Bắc Thành phố. Tuy nhiên, để triển khai các Dự án theo tiến độ rất khó khăn, khiến chủ đầu tư thực hiện “chắp vá”, khó triển khai đồng bộ.
Thực tế các Dự án trên đã có những Quyết định đầu tư trước đây nhưng chưa thể thực hiện được. Theo Quyết định đầu tư năm 2015 của Sở Giao thông Vận tải, Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký (đoạn từ Đặng Thúc Vịnh đến Ngã Ba Bầu) dài 2,4 km có tổng vốn đầu tư 217 tỷ đồng, lộ giới 25 m; dự kiến triển khai năm 2015 và hoàn thành năm 2018.
Sau đó dự án được điều chỉnh sẽ triển khai từ tháng 10/2017 - 12/2019 (nếu có mặt bằng). Tuy nhiên, theo ghi nhận, hiện tuyến đường này được triển khai “chắp vá” theo từng đoạn, chủ yếu là thi công hệ thống cấp thoát nước và “vá” những chỗ xuống cấp trầm trọng.
Trong khi đó, Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh) theo Quyết định đầu tư năm 2014 có chiều dài 5,2 km, lộ giới 30 m, với tổng mức đầu tư 390 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2014 - 2018 nhưng không triển khai được. Vừa qua, dự án này được phê duyệt đầu tư với tổng số vốn 698 tỷ đồng và dự kiến triển khai cuối năm 2018, hoàn thành năm 2019, nhưng khó hoàn thành theo kế hoạch.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tuyến đường Đặng Thúc Vịnh, người dân đã ở tương đối kín dọc hai bên tuyến đường nên phải giải phóng mặt bằng khá lớn. Bà L.T.N (ấp 1, xã Đông Thạnh, Hóc Môn) cho biết, năm 2017, địa phương có họp dân 2 lần về vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, tuy nhiên không thống nhất được do giá đền bù quá thấp. Từ đó đến nay chưa thấy họp về vấn đề này. Người dân đang chờ triển khai dự án, để có kế hoạch sửa chữa mặt bằng kinh doanh buôn bán cho phù hợp.
Đại diện Ban Quản lý Dự án 1 (Khu 3) cho hay, trên cơ sở quyết định đầu tư tuyến Đặng Thúc Vịnh, hiện đơn vị đang chuẩn bị cấu kiện, máy móc thiết bị để triển khai thi công. Trước tiên sẽ thực hiện các đoạn ở những vị trí khu vực đất công, chưa thể triển khai đại trà. Hiện địa phương đang duyệt phương án bồi thường, nên sau khi nhận bàn giao mặt bằng từ huyện Hóc Môn, mới triển khai trên toàn tuyến. Tuy vậy, Dự án rất khó hoàn thành trong năm 2019 như kế hoạch, bởi mặt bằng trên tuyến kéo dài với trên 1.200 hộ nên giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.
Trong khi đó, Tỉnh lộ 15 dài 34 km, bề rộng hiện hữu gần 6m, là tuyến đường nối trục dọc giữa huyện Củ Chi và Hóc Môn. Trước đây, tuyến đường này đã được UBND Thành phố giao Ban quản lý đầu tư công trình huyện Củ Chi nghiên cứu dự án đầu tư với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, do Dự án quá lớn và chưa thể bố trí bằng nguồn vốn đầu tư công, Thành phố đã đưa dự án vào danh mục kêu gọi đầu tư. Hiện Sở Giao thông Vận tải đang tiếp tục phối hợp với các sở ngành kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Củ Chi cho biết, việc nâng cấp, mở rộng các tuyến Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 15 hiện đang nghiên cứu để có phương án đầu tư phù hợp.
Trước thực trạng trên, Sở Giao thông Vận tải đã giao Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 3 (Khu 3) thực hiện duy tu, sửa chữa các đoạn hư hỏng, trong thời gian chưa đầu tư dự án theo quy hoạch.