Cùng với việc tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của các DNNVV, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua một số loại hình như: Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV… để tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của DNNVV.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Chính phủ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của DNNVV trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đòi hỏi phải có hệ thống các chính sách đồng bộ để khuyến khích và tạo điều kiện cho các DNNVV phát triển; đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các Bộ, ngành, cơ quan, Hiệp hội và các doanh nghiệp.
Do vậy, 5 giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đề ra gồm: Các Bộ, ngành sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV, bảo đảm các chính sách hỗ trợ DNNVV được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của DNNVV.
Cùng đó, UBND các tỉnh, thành phố tích cực triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ DNNNV được quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi doanh nghiệp tiếp cận vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, các Hiệp hội ngành nghề cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình để làm cầu nối cho DNNVV tiếp cận với tổ chức tín dụng; làm đầu mối trong việc hỗ trợ DNNVV về thông tin thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp thành viên.
Các tổ chức tín dụng có nhiệm vụ xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay. Qua đó, tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho DNNVV, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Đặc biệt, DNNVV cũng phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng; tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, kết thúc quý III/2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.475.828 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tháng 9/2018 tăng 12,34%), với 196.9 khách hàng còn dư nợ. Trong số đó, dư nợ đối với DNNVV hoạt động trong ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 41%; DNNVV hoạt động trong ngành thương mại và dịch vụ là 54%; DNNVV hoạt động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 5% trên tổng dư nợ.
Như vậy, hết quý III/2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (9,4% so với cuối năm 2018) và cao hơn cùng kỳ năm 2018. Trong điều kiện DNNVV ít có khả năng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, các nguồn vốn hỗ trợ có nguồn từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ quốc tế còn hạn chế thì vốn tín dụng ngân hàng vẫn là kênh quan trọng cho DNNVV phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.