Tuy nhiên, đến nay tại Quảng Ngãi chỉ mới có khoảng 1.600/3.350 tàu thực hiện.
Tranh thủ thời gian nghỉ sau phiên biển dài ngày, ngư dân Đỗ Thành, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã đặt hàng với đơn vị chuyên lắp đặt thiết bị hành trình tàu cá để lắp cho tàu cá của mình. Bởi, anh Thành hiểu, nếu không lắp đặt thiết bị này thì tàu sẽ không được cơ quan chức năng cấp phép ra khơi trong phiên biển tới.
Ngư dân Thành chia sẻ, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên giá cá các loại đều rất rẻ, mỗi phiên biển dù khai thác được sản lượng lớn nhưng tiền lãi không nhiều. Tuy nhiên, anh vẫn chi 22 triệu đồng để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của cơ quan chức năng.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mang lại nhiều tiện ích cho ngư dân. Bởi ngoài chức năng tự động báo cáo vị trí với tần suất 2- 3 giờ/lần về Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá; kết nối, đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát lắp đặt tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá; giúp chủ tàu theo dõi và giám sát từ xa hoạt động của tàu cá. Ngoài ra, thiết bị giám sát hành trình của một số hãng còn có thêm tiện ích về hỗ trợ thông tin dự báo thời tiết, gửi báo động cấp cứu thông báo vị trí tàu gặp sự cố, hỗ trợ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Giám sát hành trình tàu cá là thiết bị mới, ngoài chi phí ban đầu dao động từ 18-24 triệu đồng, ngư dân còn phải trả khoản tiền thuê bao hàng tháng và chi phí phát sinh cho từng phút gọi. Vì vậy, việc ngư dân cân nhắc, đắn đo là điều không tránh khỏi. Nhất là đối với các chủ tàu làm ăn thua lỗ, nằm bờ. Do đó, để tàu thuyền lắp đặt đầy đủ thiết bị theo quy định, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành pháp luật.
Thiếu tá Trần Đình Ngọc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn, cho hay: “Bộ đội biên phòng đã phối hợp với địa phương đến tuyên truyền cho bà con ngư dân nắm được tác dụng, ý nghĩa của máy giám sát hành trình tàu cá để lắp đặt đúng thời gian quy định”.
Thực hiện đúng quy định của Luật Thủy sản, từ ngày 1/4/2020, Chi cục kiên quyết không cấp giấy phép khai thác cho các tàu không lắp đặt thiết bị; phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi Phùng Đình Toàn cho biết, tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 5.600 tàu cá; trong đó hơn 3.350 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Theo quy định, từ 1/4/2020, những tàu này phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới được ra khơi. Tuy nhiên, tính đến ngày 16/4/2020, chỉ mới có khoảng 1.600 tàu lắp đặt thiết bị này.
“Những tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định chủ yếu là những tàu hành nghề lưới kéo (giã cào), lưới chuồn rút. Bởi những tàu này thời gian gần đây làm ăn thua lỗ nên phải nằm bờ, hoặc họ thường xuyên khai thác sai ngư trường nên không dám lắp đặt thiết bị vì sợ cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt”, ông Toàn cho hay.
Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá nhằm quản lý việc đánh bắt hải sản xa bờ theo khuyến nghị của Liên minh châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp. Đây cũng là cách để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt hoạt động khai thác hải sản trên biển của ngư dân, tạo điều kiện trong chứng nhận nguồn gốc thủy sản.