Theo bài viết, chuỗi cung ứng của Việt Nam đã phát triển đáng kể so với cách đây một thập kỷ. Trong số các quốc gia cạnh tranh đầu tư, Việt Nam nổi lên như một giải pháp thay thế hiệu quả cho xu hướng dịch chuyển sản xuất ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, chi phí lao động cạnh tranh, các hiệp định thương mại tự do và môi trường đầu tư cởi mở đã giúp Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư vốn đang tìm cách giảm chi phí và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Bài viết có đoạn phân tích Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động, môi trường chính trị, cơ sở hạ tầng, môi trường làm việc và bộ máy hành chính linh hoạt.
Bài viết cũng dẫn nhận định của chuyên gia Dustin Daugherty, Trưởng bộ phận Bắc Mỹ của Dezan Shira & Associates, cho rằng Việt Nam có mức độ đa dạng khu vực cao và các miền Bắc, Trung, Nam đều có những lợi thế cạnh tranh đặc biệt đối với các ngành và loại hình kinh doanh khác nhau. Bên cạnh đó, để khắc phục những hạn chế còn tồn tại về cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần, Việt Nam đã chú trọng đầu tư nâng cấp mạng lưới giao thông, chi tới 5,7% GDP cho cơ sở hạ tầng. Tổng giá trị đầu tư 120 tỷ USD đã được lên kế hoạch cho các dự án PPP - đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trong lĩnh vực đường bộ và điện.
Chuyên gia Daugherty cũng cho rằng Việt Nam vẫn còn là thị trường khá xa lạ đối với nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cần xác định phải tham gia “cuộc chơi” mang tính dài hơi và coi Việt Nam như một điểm đến đầu tư dài hạn để quản lý rủi ro. Dù đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song tốc độ tăng trưởng tích cực nói chung là một yếu tố phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư khi lựa chọn Việt Nam.