Hội thảo nêu rõ mục tiêu đến hết năm 2025 phấn đấu đạt 15.500 điểm đấu nối nước thải toàn thành phố; 90% nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh và 60% hộ dân trong phạm vi thu gom của nhà máy xử lý nước thải được đấu nối vào hệ thống.
Tại hội thảo, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan đã cùng trao đổi, đóng góp ý kiến, nêu các giải pháp thực hiện đấu nối nước thải sinh hoạt của người dân tại các phường trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Các đại biểu cho rằng, chủ đầu tư dự án (Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh) cần hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các nghị định, thông tư của Nhà nước liên quan đến thể chế trong lĩnh vực thoát nước; có giải pháp giảm tối đa lượng nước thải chưa được xử lý ra môi trường…
Ông Trần Vinh Quang, Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, hệ thống thoát nước hiện nay của thành phố là hệ thống chung, tập trung chủ yếu ở khu trung tâm thành phố và các tuyến đường chính nhằm thu gom nước mưa và nước thải. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống này còn hạn chế dẫn đến nhiều nơi bị ngập úng; hiện trạng đấu nối nước thải hộ gia đình, đặc biệt là hệ thống nước thoát nhà vệ sinh chỉ đạt 2,46%.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ, việc xử lý nước thải ở đô thị và nông thôn đang là vấn đề cấp bách hiện nay của cả nước. Tại Ninh Thuận, việc này vẫn còn rất hạn chế và đang gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân thành phố cũng như toàn tỉnh.
Dự án môi trường bền vững các thành phố Duyên hải đã hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận xây dựng nhà máy xử lý nước thải có công suất xử lý 5.000 m3/ngày đêm tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; nâng công suất xử lý của nhà máy lên 7.000 m3/ngày đêm, với mục tiêu đấu nối 15.500 điểm thu gom nước thải. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, việc triển khai đấu nối thoát nước cho thành phố Phan Rang - Tháp Chàm mới hoàn thành được 1.500 điểm.
Theo ông Trần Quốc Nam, tỉnh Ninh Thuận đã xác định và đưa dự án này vào danh sách công trình trọng điểm của tỉnh trong năm 2022. Do đó, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, đơn vi liên quan, lãnh đạo thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để phấn đấu hoàn thành các hạng mục, mục tiêu của dự án.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc Phụ trách Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận cho biết, dự án này đã được Ngân hàng thế giới gia hạn thêm 18 tháng và kết thúc vào ngày 30/6/2024. Chủ đầu tư cũng như các cơ quan của tỉnh rất quyết tâm thực hiện mục tiêu cũng như các hạng mục công trình nhằm đạt tối đa mục tiêu của dự án này.
Trong khuôn khổ hội thảo, UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã phát động cuộc thi online “Phan Rang - Tháp Chàm giữ sạch, sống xanh”, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo UBND ở 16 xã, phường và người dân cùng đồng thuận, tạo điều kiện cho dự án triển khai đúng tiến độ.