Phân tích mới nhất của hai nhà kinh tế Tom Orlik and Bjorn van Roye của mạng tin Bloomberg công bố ngày 3/9 cho thấy, tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc có thể sẽ chỉ ở quanh mức 3,5% vào năm 2030 nếu như nước này phân tách kinh tế với Mỹ, giảm từ mức 4,5% như dự báo hiện tại gắn với bối cảnh quan hệ hai nước không có thay đổi lớn.
Một sự phân tách toàn diện như vậy - được định nghĩa là chấm dứt dòng trao đổi thương mại, công nghệ giúp thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng, sẽ gây tác động tiêu cực cho Trung Quốc hơn là Mỹ. Nguyên nhân là do Bắc Kinh được hưởng lợi nhiều hơn từ dòng trao đổi ý tưởng và đổi mới sáng tạo xuyên biên giới. Tăng trưởng tiềm năng của Mỹ trong năm 2030 khi đó sẽ ở mức 1,4%, thay cho dự báo hiện tại là 1,6%.
Trong kịch bản phân tách, tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc sẽ chậm lại do tình trạng ngưng đọng chuyển giao công nghệ, chi tiêu vốn cũng có thể sụt giảm. Tuy nhiên, kết cục với Trung Quốc chưa đến mức thảm họa, do Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể trình độ công nghệ với các nền kinh tế phát triển trong 20 năm trở lại đây.
Trung Quốc dường như đã chuẩn bị cho tình huống giảm phụ thuộc vào kinh tế toàn cầu. Chiến lược mới của Chủ tịch Tập Cận Bình đặt kinh tế trong nước là động lực chính của tăng trưởng, với mục tiêu đưa đất nước tách khỏi bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, trong khi xu hướng đối đầu, thù địch tăng lên.
Bắc Kinh có thể sẽ đối mặt với hệ quả trầm trọng hơn nếu Mỹ đủ sức điều phối các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp tham gia phân tách kinh tế với Trung Quốc. Trong kịch bản đó, tăng trưởng GDP tiềm năng của Trung Quốc có thể rớt xuống chỉ còn 1,6% vào năm 2030.