Phân trần giá sữa trong nước “đứng im”

Giá sữa nguyên liệu thế giới thời gian qua có thời điểm xuống mức thấp nhất 12 năm. Tuy nhiên, ngược với xu hướng đó, giá sữa Việt Nam (mặc dù tới 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu) vẫn “dậm chân tại chỗ”gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Anh Tuấn (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã trả lời báo giới để làm rõ vấn đề này.


Thưa ông, từ đầu năm đến nay, giá sữa nguyên liệu bột gầy trên thị trường Australia và New Zealand giảm tới 22%; còn tại Tây Âu, giá loại sữa này cũng giảm tới 15%. Đây là thị trường nhập khẩu sữa bột nguyên liệu lớn nhất để sản xuất sữa bột đóng hộp và sữa nước cho Việt Nam, thế nhưng hơn 700 loại sữa trong nước dường như vẫn “đứng im”. Ông lý giải sao vấn đề này?

Qua theo dõi, cập nhật thông tin (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, báo cáo của Bộ Công Thương) giá chào bán một số loại nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem) tại thị trường Tây Âu, châu Úc cho thấy, tăng liên tục trong 3 tháng đầu năm và từ tháng 4 đến nay, giá loại nguyên liệu này giảm khoảng 20%.

Tuy nhiên, đây là mức giá chào bán. Còn trên thực tế các doanh nghiệp sản xuất sữa phải thực hiện việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng nên đều có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, nguyên liệu sữa nhập khẩu về Việt Nam của các công ty trong nước rất nhiều loại (bột whey, bột váng sữa, đường lactose, sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem...) được nhập từ trên 25 quốc gia. Các nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam không chỉ để sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mà còn sản xuất các mặt hàng khác như bánh kẹo, nước hoa quả, sữa cho phụ nữ mang bầu, người già... Giá sữa nguyên liệu nhập khẩu thời gian qua có loại giảm, có loại tăng.

Ông có đề cập, giá nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất sữa thời gian qua có loại giảm, có loại tăng. Điều này tác động như thế nào đến giá bán của các doanh nghiệp sữa trong nước, thưa ông?

Trong cơ cấu giá thành sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước, ngoài giá nguyên liệu sữa, mặt hàng sữa thành phẩm còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố, trong đó có rất nhiều yếu tố tác động tăng như: tỷ giá, chi phí quảng cáo, khuyến mại và giá điện.

Tuy nhiên, chúng ta đều có thể nhận thấy từ khi thực hiện biện pháp bình ổn giá đến nay các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm, có loại giảm tới 34%. Trong đó, theo thống kê của cơ quan hải quan, giá sữa thành phẩm không thay đổi nên với các yếu tố tác động tăng như trên, tác động giảm giá nguyên liệu đến giá sữa thành phẩm trong nước là chưa đáng kể.
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện bình ổn giá, cũng có những lúc thị trường hình thành các chi phí đẩy dẫn đến doanh nghiệp đề nghị phải điều chỉnh giá, nhưng chúng tôi đã đề nghị doanh nghiệp phải điều tiết chi phí để phù hợp với mặt bằng giá tối đa. Nhờ vậy, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có được một mặt bằng giá ổn định trong suốt 15 tháng qua, và dự kiến sẽ còn ổn định cho đến hết năm 2016 nếu không có yếu tố bất thường.

Việc xác định chi phí hình thành giá sữa của các doanh nghiệp có minh bạch hay không? Cơ quan quản lý có giải pháp gì để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, thưa ông?

Cơ cấu giá của các dòng sản phẩm sữa là khác nhau và cơ cấu phân bổ của các doanh nghiệp cũng rất khác trong từng dòng sản phẩm đó. Theo tôi, các yếu tố tăng, yếu tố giảm đều sẽ có tác động đến cơ cấu giá. Vì vậy khi tiếp nhận các kê khai giá để xác định giá tối đa của doanh nghiệp, chúng tôi cũng đã xác định rất kỹ từng yếu tố một để làm sao đánh giá được đầy đủ những yếu tố tác động đến cơ cấu giá và hình thành giá bán.

Theo đó, doanh nghiệp khi xác định giá tối đa phải điều tiết chi phí hợp lý, hợp lệ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Sau khi tiếp nhận đăng ký của doanh nghiệp, chúng tôi cũng phải xác định lại những yếu tố tương quan của từng dòng sản phẩm trên thị trường (sản phẩm đã được xác định giá tối đa) và có điều tiết giảm theo các yếu tố tương quan đó khoảng từ 5 - 10%. Do vậy có thể thấy rằng, giá tối đa cơ quan quản lý đang quản lý là tương đối phù hợp với mặt bằng của thị trường Việt Nam. Tôi cho rằng việc xác định giá tối đa như trên, người tiêu dùng cũng được lợi hơn so với các yếu tố hình thành giá của doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)
Tại sao giá sữa ở châu Âu còn rẻ hơn nước lọc?
Tại sao giá sữa ở châu Âu còn rẻ hơn nước lọc?

Lệnh cấm nhập khẩu của Nga, nhu cầu của Trung Quốc suy giảm cùng với việc chấm dứt hạn ngạch sản xuất… đã khiến châu Âu ngập ngụa trong sữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN