Để hiểu rõ hơn về tình trạng phân mảng của kinh tế toàn cầu cũng như những giải pháp nhằm khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Thưa ông, kinh tế thế giới phân mảng đưa đến hệ luỵ gì và kinh tế Việt Nam đóng vai trò gì trong tình hình kinh tế thế giới phân mảng?
Khi kinh tế thế giới phân mảng thành các khối gây ra hệ luỵ đối với hoạt động thương mại và luân chuyển vốn quốc tế. Hoạt động thương mại toàn cầu chậm lại; đặc biệt, hoạt động thương mại giữa các khối không tương đồng về chính trị chậm lại nhiều hơn. Tăng trưởng thương mại nội khối đã giảm 0,5 điểm phần trăm, xuống mức 1,7%; trong khi tăng trưởng thương mại giữa các khối đã giảm từ 3% trước xung đột Nga - Ukraine xuống khoảng -1,9%; mức tăng trưởng thương mại nội khối cao hơn 3,8% so với giữa các khối.
Dòng vốn quốc tế của các công ty đa quốc gia chuyển dịch theo ba xu hướng: chuyển dịch về nước mình; chuyển về gần nước mình; chuyển về các nước thân hữu. Mô hình luân chuyển thương mại và dòng vốn quốc tế trong kinh tế thế giới phân mảng sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia nhìn từ góc độ giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng cường an ninh quốc gia. Nhưng nếu quản lý và vận hành không đúng, mô hình này có thể gây tổn thất lớn hơn so với lợi ích nó đem lại.
Trong thế giới phân mảng, kinh tế Việt Nam đóng vai trò “kết nối” trong thương mại và đầu tư quốc tế giữa các khối. Việt Nam đang hưởng lợi từ sự thay đổi mô hình thương mại và các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn gia tăng đầu tư vào Việt Nam.
Năm 2024 và các năm tiếp theo, dự báo dòng vốn FDI sẽ tăng cường đổ vào Việt Nam. Do đó, Chính phủ cần khẩn trương xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và ngành, lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện...
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, thật sự có năng lực; đồng thời, ban hành các quy định để bảo vệ uy tín và hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư nghiêm túc, luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, Việt Nam cần tỉnh táo lựa chọn các dự án FDI, không để một số nước chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế của các FTA mà Việt Nam đã ký, biến Việt Nam thành “vùng đệm", thực hiện lắp ráp thành phẩm rồi xuất đi.
Cùng với đó, Chính phủ cần cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục là nhiệm vụ cấp bách để thu hút và hấp thụ nguồn vốn đầu tư chất lượng cao; thực hiện nghiêm và hiệu quả bảo hộ sở hữu trí tuệ; khẩn trương nâng chất lượng nguồn nhân lực; đặc biệt, cần có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực và điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu của các tập đoàn nước ngoài ở phân khúc có công nghệ và giá trị cao, xoá bỏ tình trạng doanh nghiệp Việt chỉ làm gia công ở khâu sử dụng lao động giản đơn.
Kinh tế thế giới phân mảng đang điều chỉnh lại dòng chảy thương mại. Các nước luôn đặt sự ổn định, bền vững, đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia lên trên hết. Vậy theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để bảo vệ lợi ích thương mại, giảm thiểu tổn thất gây ra bởi tình trạng phân mảng?
Thời gian qua, Việt Nam phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững đã và đang trở thành động lực quan trọng đóng góp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quy mô thương mại quốc tế của kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, lần đầu tiên vượt mốc 730 tỷ USD vào năm 2022; năng lực cạnh tranh xuất khẩu ngày càng được củng cố, nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta có vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay, thị trường nhập khẩu quốc tế đưa ra nhiều đòi hỏi mới với các quy định và tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với hàng hoá xuất khẩu của các nước. Tại châu Âu, một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, xung quanh "Thỏa thuận xanh châu Âu" có một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên.
Từ đó, nhiều quy định mới được đưa ra với những hàng hóa muốn xuất khẩu vào thị trường này, như: Quy định chống phá rừng của EU áp dụng từ 30/12/2024, sẽ tác động tới nông sản xuất khẩu của nước ta; EU đang hướng đến mục tiêu loại bỏ văn hóa "tiêu thụ và vứt bỏ", loại bỏ các sản phẩm có "vòng đời ngắn" và nền kinh tế "tạo rác". Những quy định này sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU; Cơ chế điều chỉnh carbon sẽ áp thuế carbon đối với những hàng hoá nhập khẩu vào EU.
Kinh tế thế giới phân mảng đang điều chỉnh lại dòng chảy thương mại. Các nước luôn đặt sự ổn định, bền vững, đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia lên trên hết. Vì vậy, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ phải tìm kiếm các giải pháp bảo vệ lợi ích thương mại, giảm thiểu tổn thất gây ra bởi kinh tế thế giới phân mảng.
Để đáp ứng các quy định và đòi hỏi khắt khe của thị trường thế giới, Chính phủ cần tiến hành xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất, có giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp để sản phẩm xuất khẩu của nước ta đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phân mảng, theo ông, Việt Nam cần làm gì về môi trường thể chế và chính sách kinh tế để phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng?
Trong những thập kỷ gần đây, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam bao gồm bốn nhóm: cải cách, bổ sung và hoàn thiện môi trường thể chế; thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là đầu tư công trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ; thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Kinh tế thế giới phân mảng sẽ tác động trực tiếp với các mức độ khác nhau tới bốn nhóm động lực. Tuy nhiên, trước những bất cập về môi trường pháp lý, chính sách còn mâu thuẫn, điều kiện kinh doanh còn nhiều rào cản; tình trạng sở hữu chéo và sân sau làm giảm đáng kể hiệu quả của chính sách tín dụng và lãi suất, gây bất ổn vĩ mô; sự chậm trễ, kém hiệu quả trong thực thi chính sách; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá những tồn tại, bất cập, thách thức đang cản trở các nhóm động lực tăng trưởng, kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tính hiệu quả của từng nhóm động lực.
Cùng với đó, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thể chế cung cấp kịp thời với giá cạnh tranh các yếu tố đầu vào cho sản xuất, giảm chi phí; đẩy mạnh chuyển đổi số, gia tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước.
Kinh tế thế giới phân mảng, vì lợi ích và an ninh quốc gia, các nước đang điều chỉnh chính sách kinh tế và môi trường pháp lý về sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cần theo dõi, nhận biết những thay đổi của quốc tế, khẩn trương sửa đổi, bổ sung thể chế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng phát huy tối đa hiệu quả của các nhóm động lực tăng trưởng khác.
Thưa ông, vì sao kinh tế nước ta lại đóng vai trò “kết nối” trong thế giới phân mảng?
Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; với chính sách ngoại giao linh hoạt, đúng đắn, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vị thế của Việt Nam được nâng tầm, trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - an ninh khu vực.
Việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản, nhấn mạnh trọng tâm hợp tác là thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế, đặc biệt đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao và xuất khẩu của nước ta.
Vị thế của Việt Nam đã đưa nền kinh tế nước ta đóng vai trò kết nối kinh tế giữa các khối trong thế giới phân mảng. Đây là thời cơ và vận hội, mà không phải quốc gia nào cũng có được. Chúng ta cần tận dụng tối đa vai trò của nền kinh tế kết nối trong thế giới phân mảng để thúc đẩy và phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng, đưa nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cất cánh trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao trong vài thập niên tới.
Để biến vận hội thành hiện thực, tạo dựng động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam cần làm những gì, thưa ông?
Trước hết, chúng ta cần khẩn trương hành động với tư duy đột phá, với tầm nhìn dài hạn, trong mọi hoàn cảnh luôn nuôi dưỡng và thực thi khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, đặt lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên hết; thống nhất chủ trương, đường lối; sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý để phát huy trí tuệ và trọng dụng nhân tài.
Đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả lãnh đạo quản lý và năng lực điều hành kinh tế. Yếu tố quyết định thành công trong tiến trình phát triển đất nước chính là nhận thức đúng, kịp thời nắm bắt thời cơ, khẩn trương hành động để biến thời cơ thành hiện thực phát triển.
Cùng với đó, Chính phủ luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ “Bà đỡ, nuôi dưỡng và người đồng hành tin cậy” đối với các ngành, lĩnh vực, các tập đoàn kinh tế trọng điểm trong những giai đoạn và thời điểm cần thiết; đồng thời, cần xác định ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới, từ đó có cơ chế và giải pháp đột phá về vốn, tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao để đầu tư kiến tạo và triển khai thực hiện các động lực mới.
Xin cảm ơn ông!