Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Bài 1: Chuyển biến tích cực

Nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước ban hành thời gian qua.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi ốc hương mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân người Khmer của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường. Nhằm phản ánh rõ hơn về nội dung này, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết với chủ đề: Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài 1: Chuyển biến tích cực

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, các chính sách dân tộc, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả tích cực. Tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên trong trong đồng bào ngày càng nâng cao, nhiều mô hình tập thể, cá nhân điển hình trên các lĩnh vực, nhiều hộ sản xuất giỏi, làm kinh tế hiệu quả được biểu dương, khen thưởng. Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc không ngừng khởi sắc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc nâng lên rõ rệt.

Nhiều điểm sáng

Theo Vụ Công tác dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc), đồng bào dân tộc thiểu số tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay sinh sống thành cộng đồng, đan xen với dân tộc Kinh ở 9 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa, Chăm… chiếm gần 7,6% dân số toàn vùng.

Toàn vùng có 222 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số khó khăn, đặc biệt khó khăn. Phần đông đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, một bộ phận người Hoa, Chăm sinh sống bằng dịch vụ mua bán và tiểu thủ công nghiệp. Các địa phương trong vùng đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, từ đó mang lại kết quả thiết thực, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm hơn 35% dân số toàn tỉnh), trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Địa phương có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 128 ấp đặc biệt khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc, hiện nay tỉnh có trên 99% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% khóm, ấp có điện lưới quốc gia, gần 86% xã, phường có nhà văn hóa và trên 88% khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh – truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân, có 98% số hộ dân, vùng dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Đặc biệt, Sóc Trăng giảm hơn 3.000 hộ nghèo và giảm gần 1.400 hộ cận nghèo là người dân tộc Khmer.

Cũng là một trong những tỉnh đông đồng bào dân tộc Khmer, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, bằng nhiều giải pháp hiệu quả, thời gian qua, tỉnh đã đưa 2 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (Ngãi Xuyên và Hàm Giang, huyện Trà Cú), đưa 2/10 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (ấp ÔkaĐa, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành và ấp Trà Cú C, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú). Địa phương cũng giảm trên 2.200 hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang có trên 2.800 hộ, với gần 11.200 người, sinh sống tại 9 xóm Chăm ở 5/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Nhờ sự quan tâm, chăm lo về vật chất lẫn tinh thần của các cấp chính quyền, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc Chăm ở An Giang đã ngày càng được nâng cao. Tỉnh đã thành lập được 2 khu dân cư, khu dân cư xã Châu Phong có 174 hộ, Khu dân cư Vĩnh Trương với hơn 123 hộ. Cùng đó, xã Quốc Thái đang quy hoạch xây dựng tuyến dân cư cho đồng bào dân tộc Chăm và xã Đa Phước (huyện An Phú) đã triển khai xây dựng tuyến dân cư có bố trí khu chợ dân sinh. Tỉnh xây nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho đồng bào Chăm được gần 30 căn…

Nhiều chính sách hỗ trợ

Hiện nay, việc phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia. Với mục tiêu “Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước, đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn”, Quốc hội đã phê duyệt tổng nguồn vốn hơn 137.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình với 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án và 36 nội dung đầu tư, hỗ trợ cụ thể trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025.

Đối với các địa phương, giai đoạn 2021 – 2025 Sóc Trăng tập trung đầu tư gần 800 tỷ đồng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết chế xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Từ nguồn vốn này, Sóc Trăng dự kiến sẽ tập trung đầu tư hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho gần 4.500 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn. Tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Năm 2023, tỉnh Trà Vinh bố trí tổng nguồn vốn gần 626 tỷ đồng để thực hiện các dự án nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, chủ yếu là dân tộc Khmer. Tỉnh hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ dân tộc thiểu số, nhà ở cho hơn 525 hộ, chuyển đổi nghề cho khoảng 275 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho gần 40 hộ, đầu tư xây dựng hai công trình nước tập trung. Đồng thời, tỉnh thực hiện một dự án trồng cây dược liệu quý tại huyện Trà Cú, hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 60% hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo dân tộc Kinh, cận nghèo ở ấp đặc biệt khó khăn.

Cùng đó, Trà Vinh còn xây dựng mới gần 60 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp tục thực hiện 16 công trình chuyển tiếp của năm 2022, duy tu, bảo dưỡng khoảng 40 công trình, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vùng biên giới An Giang phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ đất ở cho gần 320 hộ, nhà ở cho gần 1.100 hộ dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho khoảng 360 hộ dân. Bên cạnh đó, đầu tư, xây dựng gần 60 công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2022 - 2025 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn 3,5%/năm...

Chú thích ảnh
Bà Dương Thị Mạnh, nữ đảng viên giỏi việc nước, đảm việc nhà là tấm gương tiêu biểu cho chị em hội viên phụ nữ (ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ),  nỗ lực thoát nghèo. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer. Theo đó, Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ đã cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm cho người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 - 35 như: tư vấn, đào tạo kỹ năng ngoại ngữ cho lao động người dân tộc Khmer có nhu cầu đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng; cung cấp thị trường lao động, tư vấn chính sách pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, việc làm, học nghề, giới thiệu việc làm trong nước cho 250 lao động là người Khmer.

Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cũng hỗ trợ cho gần 960 hộ dân tộc Khmer vay vốn với tổng dư nợ trên 20,8 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi với nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, góp phần giúp đồng bào tăng thu nhập, ổn định cuộc sống…

Bài cuối: Khơi thông điểm nghẽn

Nhật Bình (TTXVN)
Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Bài cuối: Khơi thông điểm nghẽn
Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Bài cuối: Khơi thông điểm nghẽn

Để tạo bứt phá trong việc phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần nhận diện đúng những điểm nghẽn đang gặp phải và đưa ra những giải pháp phù hợp để giải quyết những điểm nghẽn này; trong đó, những giải pháp lãnh đạo các địa phương phải đặc biệt chú ý là đầu tư hạ tầng thiết yếu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và giảm nghèo bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN