Điều này dẫn đến nguy cơ phá vỡ vùng quy hoạch sắn vốn cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn. Vì vậy, huyện khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả mà tuân thủ quy hoạch đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt.
Hiện giá gỗ nguyên liệu chủ yếu từ cây keo lai tăng nhưng cùng thời điểm sắn củ tươi được giá nên nông dân khai thác gỗ keo chuyển trồng sắn. Đáng chú ý có những diện tích keo lai còn non, chưa đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn bị chặt để lấy đất trồng sắn.
Dọc theo những khu rừng trồng keo ven Tỉnh lộ 643 và đường trục dọc miền Tây thuộc địa bàn hai huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân nhiều tốp người chặt keo và vận chuyển lên xe tải. Những rừng keo non mới 4 năm tuổi bị chặt rồi cưa từng khúc gom lại chất đống.
Ông Bùi Văn Thiện, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa đang thu hoạch keo cho hay, gia đình vừa bán 1 ha keo lai lãi 40 triệu đồng sau 5 năm để lấy đất trồng sắn, giờ kêu công chặt tiếp 1 hecta keo non cũng để trồng sắn.
Theo ông Thiện, một hecta keo non bán thu được 30 triệu đồng. Trường hợp chăm sóc thêm một năm, năng suất có tăng nhưng cũng chỉ kiếm thêm 10 triệu đồng. Trong khi đó, giá sắn đầu vụ là 1.900 đồng/kg nay tăng lên 2.460 - 2.500 đồng/kg. Như vậy, một hecta sắn trồng trong một năm, đến kỳ thu hoạch bán tại ruộng cho thương lái, không mất công nhổ củ kiếm được 17 triệu đồng. Thấy lãi nên ông quyết định bỏ cây keo để trồng sắn.
Hiện, Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân đầu tư lắp đặt 5 trạm cân để thu mua sắn tại vùng nguyên liệu cho nông dân, điều này thuận lợi cho nông dân trong quá trình bán sắn như: hạn chế được khâu trung gian và tăng thu nhập cho nông dân, nhà máy thu mua đủ nguyên liệu để sản xuất; hạn chế tình trạng sắn ở vùng nguyên liệu này nhưng được vận chuyển đến vùng khác để tiêu thụ.
Tuy nhiên, trước thực trạng nông dân có hướng phá bỏ diện tích keo, kể cả keo non chưa đến kỳ thu hoạch để trồng sắn không chỉ có khả năng phá vỡ quy hoạch vùng trồng rừng kinh tế mà còn phá vỡ quy hoạch vùng trồng sắn trên địa bàn tỉnh. Đó là chưa kể trong vài năm gần đây nhiều vùng trồng sắn trên địa bàn tỉnh đã bị nhiễm một số bệnh nhưng chưa có thuốc đặc trị như: bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá. Trường hợp mở rộng diện tích sắn tự phát sẽ phát sinh và lây lan dịch bệnh hại cây trồng trên diện rộng.
Gần đây nhất, tại huyện miền núi Sông Hinh xuất hiện cây sắn bị bệnh khảm lá, virus gây hại lây lan nhanh, nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do nông dân sử dụng nguồn giống sắn từ các vùng trồng sắn đã bị nhiễm bệnh như giống sắn: HLS11, KM 419... Khi cây sắn bị bệnh khảm lá thì năng suất chắc chắn giảm; chưa có thuốc điều trị mà chỉ tiêu hủy.