Tại đây, Bộ trưởng đã đưa ra một số giải pháp nhằm quản lý, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, đảm bảo quá trình phát triển dài hạn, thông suốt thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững
Trả lời vấn đề đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nêu về thời điểm có thể vận hành hệ thống KRX (gói thầu "Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin" được HOSE ký kết với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc - KRX) để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhà đầu tư và góp phần quan trọng trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, dự án này đã triển khai được 22 năm, do Hàn Quốc tài trợ và hiện chưa xong. Bộ Tài chính đang tích cực thúc đẩy vận hành hệ thống, đã có những giải pháp và yêu cầu nhà thầu hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, trong khi dự án KRX chưa hoàn thành, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án công nghệ của Sàn HNX Hà Nội đưa vào sàn HOSE, nới "room" từ 1 triệu lệnh/ngày, lên 3 triệu lệnh/ngày và giao dịch hiện nay đạt khoảng 2,5 triệu lệnh/ngày. Như vậy, Bộ Tài chính tiếp tục đưa các chuyên gia nâng "room" lên khoảng 5 triệu lệnh/ngày, đảm bảo cho hệ thống công nghệ thông tin của Sàn HOSE không bị nghẽn mạch như thời điểm tháng 5/2021.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Hiện nay, Bộ Tài chính đã có một hệ thống dự phòng cho hệ thống công nghệ thông tin hiện hành của Sàn HOSE, cùng với dự án HRX được đưa vào vận hành thời gian tới sẽ là những hệ thống công nghệ thông tin dự phòng để khi nghẽn mạch hoặc sự cố, hệ thống này sẽ ngay lập tức được thay thế, đảm bảo hoạt động thông suốt trong quá trình phát triển dài hạn thị trường chứng khoán".
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ. Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng; phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan Công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra; đồng thời tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm trong khi thi hành công vụ.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính cũng rà soát đồng bộ luật, nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Siết chặt quản lý, ngăn chặn "tình trạng bong bóng"
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, thực tế trong thị trường chứng khoán nước ta hiện nay, giá trị vốn hóa hay giá trị thị trường cao gấp nhiều lần giá trị tài sản trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO). Sự gia tăng này phản ánh tính hấp dẫn của kênh đầu tư, nhưng cũng chịu tác động lớn từ các chiêu trò đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn thị trường, tạo chênh lệch giữa giá cả và giá trị thực, gọi nôm là "bong bóng chứng khoán". Tình trạng này làm tăng suất vốn đầu tư trên một đơn vị tăng trưởng, tăng hệ số ICOR của nền kinh tế, giảm quả sử dụng vốn của nền kinh tế. "Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay. Bộ Tài chính có những công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ bong bóng chứng khoán, giải pháp gì để thị trường chứng khoán nước ta phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới?", đại biểu Trần Văn Lâm nêu.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán thời gian qua đã có bước phát triển rất tốt. Tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016-2021 khoảng 26% và đến cuối năm 2021, thị trường chứng khoán huy động được 7.774 tỷ đồng, tức đạt 92,5% GDP năm 2021. Thị trường trái phiếu, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp khoảng 15%, tức 1.374.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vừa qua xảy ra một số hiện tượng về thao túng chứng khoán như thao túng cổ phiếu, đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng, đầu cơ trái phiếu... Bộ Tài chính đã có nhiều biện pháp như cảnh báo người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư; đồng thời trình Chính phủ sửa lại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế), tăng cường các giải pháp, biện pháp để thực hiện vấn đề minh bạch đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn, cùng với tín dụng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển. Trong lịch sử của phát triển kinh tế thế giới, các quốc gia tiên tiến hiện nay đã có trên 500 năm kinh nghiệm về vấn đề thị trường chứng khoán. Việt Nam bắt đầu triển khai từ năm 2000 đến nay, còn rất non trẻ nhưng đã thể hiện sức mạnh của thị trường chứng khoán thông qua sức mạnh của doanh nghiệp.
"Thị trường chứng khoán thể hiện sức mạnh của nền kinh tế. Do đó, những vi phạm trật tự kinh tế và vi phạm Luật Chứng khoán, vi phạm các nghị định liên quan phải được xử lý nghiêm. Vừa qua, Bộ Tài chính đã có những giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi các nhiệm vụ về phát sinh và đồng thời công khai, theo dõi quá trình lên xuống đột ngột. Đối với cổ phiếu, trái phiếu riêng lẻ, Bộ Tài chính sẽ thiết lập một kênh riêng để theo dõi", Bộ trưởng cho hay.
Cùng với giải pháp hoàn thiện Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ việc hoàn thiện Luật Chứng khoán, đặc biệt liên quan đến quy định rõ điều kiện phát hành. Ví dụ, cơ quan, đơn vị phát hành, doanh nghiệp phát hành phải có vốn chủ sở hữu, mức nợ trên vốn chủ sở hữu, mục đích phát hành và tuân thủ mục đích phát hành với cơ quan quản lý nhà nước...
"Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm bắt đầu từ dòng tiền, giao dịch bất thường để xử lý nghiêm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.