Quảng Bình khẩn trương phòng, chống bệnh đạo ôn trên lúa

Vụ Đông Xuân năm 2020-2021, toàn tỉnh Quảng Bình gieo trồng hơn 29.440 ha lúa. Tuy nhiên thời gian qua, hàng trăm ha lúa đang bị đạo ôn gây hại, nhiều diện tích bị cháy lá nặng.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra diện tích lúa để thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đạo ôn.

Ông Hồ Khắc Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình cho biết, thời điểm hiện tại, các trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, đứng cái, tuy nhiên thời tiết diễn biến bất thường, mưa phùn, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn lá phát triển nhanh, gây hại trên nhiều diện tích lúa Đông Xuân. Bệnh đạo ôn là đối tượng dịch hại khó phòng trừ, nguyên tắc phòng là chính. Các loại thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn hiện nay chỉ có hiệu quả cao khi tiến hành phun phòng trừ khi bệnh mới chớm phát sinh.

Thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh có 556 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, tập trung ở các huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn… Tỷ lệ bệnh phổ biến 10-15%, nơi cao 20-30%, cục bộ 70 - 80%, cấp bệnh chủ yếu 1 - 3, cục bộ cấp 5 - 7, diện tích cháy 2,5 ha. Bệnh đạo ôn xuất hiện chủ yếu trên các giống TBR225, TBR1, DV108, P6, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8…

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết, để ngăn chặn kịp thời sâu bệnh phá hại, đơn vị đã có thông báo về tình hình bệnh đạo ôn phát sinh gây hại lúa và hướng dẫn chi tiết cách phòng trừ đến các địa phương.

Dự báo trong thời gian tới, bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng lúa vụ Đông - Xuân. UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn người dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt chú ý vùng ổ và các giống nhiễm để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, thời gian qua, dù các đơn vị chuyên môn đã tích cực chỉ đạo, nhưng việc phòng trừ bệnh đạo ôn lá ở một số xã, đơn vị vẫn chưa được quan tâm, bệnh có chiều hướng gia tăng nhanh về diện tích và mức độ hại.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, đối với những ruộng đã bị đạo ôn gây hại, bà con dừng ngay bón đạm, kali, phân bón lá, các chất kích thích sinh trưởng và giữ mực nước ổn định trên ruộng, tránh để ruộng bị khô hạn khi bệnh xảy ra. Bà con cần sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Tryciclazole, Isoprothilane… để phòng trừ; phun thuốc ướt đều trên mặt lá, bảo đảm đủ lượng nước thuốc như hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

Với những ruộng bị bệnh nặng phải phun thuốc 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 - 7 ngày mới có hiệu quả. Những ruộng bị bệnh nặng, khả năng cháy lá cao nên cắt bỏ phần lá (từ gốc lên 20-25cm), sau 3 - 4 ngày lá mới xuất hiện thì phun thuốc phòng trừ. Người dân không được trộn lẫn thuốc với các loại phân bón lá hoặc chất kích thích sinh trưởng khi phòng trừ bệnh đạo ôn, nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra, bảo vệ diện tích, năng suất lúa Đông Xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban, ngành liên quan kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức phòng trừ kịp thời; tăng cường quản lý, giám sát việc buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đạo ôn trên lúa. 

Các xã, phường, thị trấn khẩn trương thông báo tình hình và hướng dẫn biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa đến các thôn, xóm. Các hợp tác xã, thôn vận động nông dân tiếp tục kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm và triển khai phòng trừ kịp thời không để lây lan trên diện rộng. Những nơi có tỷ lệ bệnh hại cao cần họp dân để hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức phòng trừ đồng loạt để đạt hiệu quả cao… 

Tin, ảnh: Đức Thọ (TTXVN)
Lai tạo thành công giống lúa mới từ nguồn gen lúa màu cổ truyền
Lai tạo thành công giống lúa mới từ nguồn gen lúa màu cổ truyền

Ngày 9/4 tại Tp. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Đào Minh Sô, Trưởng bộ môn chọn tạo giống cây trồng, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam thông tin đã lai tạo thành công giống lúa mới lấy tên Mắt rồng (SR20), vừa giữ được nhiều ưu điểm của giống lúa màu cổ truyền vừa có giá trị phổ biến cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN