Tại huyện miền núi Phước Sơn, mưa lũ cuối năm 2020 đã khiến hàng loạt các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bị tàn phá nghiêm trọng. Giải ngân đầu tư công gắn với khôi phục hạ tầng sản xuất là ưu tiên hàng đầu của huyện Phước Sơn trong mấy năm qua với nguồn vốn được đầu tư lên đến gần 600 tỷ đồng đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Bờ kè chống sạt lở dọc theo sông Đắc Xe có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở, Trạm Y tế xã, Trung tâm hành chính xã Phước Kim và hàng trăm hộ dân trong khu vực là một điển hình.
Anh Lê Văn Thanh, người dân xã Phước Kim chia sẻ, khi chưa xây dựng bờ kè này, người dân không yên tâm khi mùa mưa lũ đến. Bờ kè sông Đắc Xe khi hoàn thành góp phần làm cho bộ mặt của trung tâm xã Phước Kim khang trang hơn, đồng thời tạo ra quỹ đất xây dựng thêm các khu tái định cư mới cho người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở núi và lũ quét đến định cư lâu dài.
Sau những trận bão lũ liên tiếp trong năm 2020 và 2021, cầu Xà Ca nằm trên tuyến đường liên xã Phước Chánh - Phước Kim, huyện Phước Sơn đã bị nước lũ cuốn trôi. Để đảm bảo giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào ở những xã vùng sâu này, cùng với việc sửa chữa 4 đoạn đường đã bị hư hại nghiêm trọng, xây dựng tường chắn ở những đoạn xung yếu, huyện Phước Sơn quyết định xây dựng cầu Xà Ca bằng bê tông, cốt thép vĩnh cửu. Hiện tại 4 mố cầu đã được thi công, đảm bảo an toàn vượt lũ, các thanh dầm đã được đúc sẵn tại chân công trình, đảm bảo tiến độ thi công, đưa công trình vào sử dụng vào đầu năm tới.
Kỹ sư Nguyễn Quang Tường, Chỉ huy công trình cho biết, miền núi thời tiết không thuận lợi như ở đồng bằng. Vì vậy, chúng tôi tập trung vật tư và nhân lực đầy đủ tại công trình, tranh thủ thời tiết thuận lợi ngày nào là thi công ngày đó. Nhờ vậy, cầu Xà Ca đảm bảo hoàn thành đưa vào sử dụng trước thời gian quy định.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung, sau các trận mưa lũ cuối năm 2020, Trung ương và tỉnh đã đầu tư gần 600 tỷ đồng giúp Phước Sơn tái thiết cơ sở hạ tầng, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho đồng bào. Riêng trong năm 2022, nguồn vốn đầu tư mới cộng với số còn lại từ năm trước là 250 tỷ đồng. Để giải ngân hết nguồn vốn này, huyện chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Thi công đến đâu là lập hồ sơ đề nghị thanh toán khối lượng đến đó và tiếp tục cho ứng vốn để triển khai thi công. Mặt khác, huyện tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh vốn của một số dự án không có khả năng giải ngân hết trong năm 2022 sang cho các dự án có khả năng tiêu thụ được vốn.
Huyện hỗ trợ người dân làm lại nhà ở mới, xây dựng và đưa vào sử dụng các khu tái định cư ổn định, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, trồng rừng nguyên liệu, trồng cây dược liệu dưới tán rừng để giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, những tháng còn lại của năm 2022, huyện Phước Sơn tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư công để khôi phục sản xuất, gắn mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công với khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, cùng với sự giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả của Chính phủ, của bộ ngành Trung ương, tỉnh tập trung ưu tiên nhiều nguồn lực để khôi phục hạ tầng sản xuất, xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống cho đồng bào. Để thực hiện nhiệm vụ này, giải ngân vốn đầu tư công, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia với khôi phục cơ sở hạ tầng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm.