Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang Huỳnh Xuân Vũ cho biết: "Trong quá trình triển khai đầu tư công trên địa bàn, nhiều dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng và điều chỉnh thiết kế, dự toán làm chậm tiến độ thực hiện dự án, công trình. Đến thời điểm này, mới có 8/23 đơn vị cấp tỉnh và 9/15 đơn vị cấp huyện giải ngân đạt tỷ lệ trên 65% kế hoạch vốn được giao; 36 công trình trọng điểm được bố trí hơn 39% kế hoạch vốn năm 2022, khoảng 2.090 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân 52,1% số này".
Theo đó, các dự án vướng giải phóng mặt bằng phần lớn ở lĩnh vực giao thông gồm: Đường ven biển Rạch Giá - Hòn Đất, đường ven sông Cái Lớn, đường ven biển Hòn Đất - Kiên Lương, tuyến tránh thị trấn Kiên Lương, nâng cấp và mở rộng đường quanh núi Hòn Me, đường vào khu du lịch Ba Hòn, đường trung tâm Bãi Trường đoạn 3 và các tuyến nhánh, đường nhánh số 3 khu vực Bãi Trường…
Ngoài ra, một số dự án khác cũng vướng giải phóng mặt bằng như: dự án Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Hòn Chông (Kiên Lương), dự án đầu tư xây dựng 18 cống trên tuyến đê biển và ven biển…
Mặt khác, nhiều dự án chậm hoàn thành các thủ tục nên giải ngân thấp như: Đường KT1 (An Minh), Quảng trường trung tâm và tượng đài Bác Hồ tại Phú Quốc, Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật và bảo tồn di sản văn hóa tỉnh.
Cùng đó, các dự án của thành phố Phú Quốc (vốn từ nguồn sử dụng đất) với tổng kế hoạch vốn 585,6 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân 26,8% số này do thu tiền sử dụng đất không đạt kế hoạch.
Tại kỳ họp chuyên đề ngày 25/10, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ra nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn một số danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể là điều chỉnh tăng, giảm kế hoạch vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh giữa các sở, ban, ngành, địa phương với tổng kế hoạch điều chỉnh hơn 221 tỷ đồng, gồm tăng kế hoạch vốn 22 danh mục dự án và giảm kế hoạch vốn 20 danh mục dự án.
Mặc dù từ nay đến cuối năm thời gian còn ít, triển khai thực hiện đầu tư công đang gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ giải ngân thấp nhưng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nêu quyết tâm phấn đấu giải ngân vốn đầu tư đạt 100% kế hoạch, giải ngân tối thiểu 50% vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022, đạt 100% vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, chủ đầu tư và sở, ngành có liên quan tập trung giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, hài hòa lợi ích của nhà nước và người dân để có mặt bằng triển khai dự án.
Chủ đầu tư các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án để triển khai thực hiện các dự án, đảm bảo giải ngân hết vốn đầu tư trong hai năm 2022 - 2023 đúng quy định của Chính phủ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương, Ban quản lý dự án tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong năm 2022 để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp.
Xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện giải ngân và thi công. Các cơ quan, đơn vị thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực và kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đến 30/9 chưa đạt tỷ lệ từ 65% kế hoạch trở lên phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân và phân công cụ thể cho từng thành viên trong ban lãnh đạo trực tiếp phụ trách, theo dõi, chỉ đạo từng dự án cụ thể, nhất là những dự án khó khăn, vướng mắc.
Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, đơn vị có liên quan tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; yêu cầu Ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiên quyết cắt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Các ngành chức năng, đơn vị tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công để đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các dự án, công trình.
Tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng và Sở Tài chính thường xuyên cập nhật và cung cấp giá vật liệu xây dựng và hàng hóa, thực hiện kiểm soát giá, chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.