Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.
Sau gần 8 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi mạnh mẽ; đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc nhằm tiếp tục tạo dựng sự phát triển trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
Theo đó, đã hình thành hệ thống văn bản pháp luật và cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương, mạng lưới các Hội Bảo vệ người tiêu dùng; nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng được nâng cao; việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, thu hồi sản phẩm khuyết tật, bảo hành và thực thi các trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng được thực hiện...
Đặc biệt, với vị trí là đối tượng điều chỉnh trực tiếp của hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhận thức và hành động của doanh nghiệp tại Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ nét, thể hiện tính chủ động và hiệu quả.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, số lượng vụ việc của người tiêu dùng tới Bộ Công Thương tăng từ 26 vụ trong năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012, 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ trong giai đoạn 2014 – 2018. Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc tại Bộ trung bình năm là trên 90%.
Tại các Sở Công Thương, số lượng vụ việc khiếu nại được tiếp nhận gia tăng rõ nét. Cụ thể, từ số lượng khiếu nại trung bình 100 vụ việc mỗi năm 2011 -2012 đã tăng lên 500 vụ việc trong giai đoạn 2015 -2018. Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc là 85%.
Ngoài ra, với các Hội Bảo vệ người tiêu dùng, số vụ khiếu nại cũng tăng nhanh. Năm 2015, lần đầu tiên với sự tham gia hỗ trợ của Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bến Tre, hơn 190 người tiêu dùng đã thắng kiện tại phiên xét xử phúc thẩm trong vụ 190 người bị ngộ độc bánh mỳ kẹp thịt ở Bến Tre.
Tuy nhiên, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng chỉ ra rằng, trong quá trình thực thi đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập trong chính các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn.
Cụ thể, toàn bộ các quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh tiêu dùng có tính truyền thống mà chưa tính tới một số phương thức mới, hiện đại, nhất là sự phát triển của thương mại điện tử và cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Hơn nữa, hoạt động tuyên truyền còn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được bộ tài liệu thống nhất về thực thi phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ quyền lợi quyền lợi người tiêu dùng còn dàn trải, thiếu trọng tâm, chưa sát với nhu cầu.
Riêng các đối tượng phổ biến mới chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, chưa lan tỏa tới các vùng sâu, vùng xa, chưa tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng và chưa có hoạt động tuyên truyền cụ thể với các nhóm đối tượng người tiêu dùng đặc thù.
Đặc biệt, việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng chưa đáp ứng thực tế vì mỗi năm giải quyết chỉ từ 1.000 – 1.500 vụ việc. Số lượng này rất nhỏ so với thực tế giao dịch tiêu dùng tại Việt Nam.
Cùng quan điểm này, ông Kiều Dương, phụ trách Vụ Chính sách Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường) cho rằng, theo số liệu thống kê, qua 5 năm 2014- 2018, bình quân mỗi năm, cơ quan quản lý thị trường các cấp kiểm tra trên 160.000 vụ việc, phát hiện và xử lý trên 103.000 vụ việc. Con số này chiếm 45% tổng số vụ việc xử lý hành chính của các ngành, lực lượng trên phạm vi cả nước.
Mặc dù số vụ vi phạm nghiêm trọng với quy mô lớn đã được phát hiện và xử lý bắt nguồn từ đơn khiếu nại của người tiêu dùng, nhưng chỉ chiếm 3% trên tổng số lượng xử lý thông tin ban đầu đến từ đơn khiếu nại của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, một số vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được pháp luật quy định. Cụ thể như sự xuất hiện của mô hình kinh doanh theo dạng nền tảng (Uber, Grab, các mô hình cho vay ngang hàng…); trách nhiệm liên đới của chủ sàn thương mại điện tử; cơ chế giải quyết tranh chấp xuyên biên giới…
Để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn hiện hành, ông Kiều Dương cho rằng, cần rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo lập khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, tới đây Bộ Công Thương cụ thể là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ phối hợp với các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Sở Công Thương nhằm đẩy mạnh các hoạt động theo sát thực tế diễn biến. Từ đó, góp phần hỗ trợ cho bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, các chủ thể có liên quan cần có định hướng cụ thể nhằm điều chỉnh kịp thời, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cần có sự chủ động hơn nữa của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, báo chí truyền thông, mỗi cá nhân người tiêu dùng và hội bảo vệ tiêu dùng các địa phương.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trao bằng khen của Bộ Công Thương cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thi hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011-2018.