Công trình thủy điện Lai Châu. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Kế hoạch hành động nhấn mạnh các giải pháp đồng bộ nhằm phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các dự án, công trình thủy điện.
Mục tiêu chủ yếu của kế hoạch nhằm tiếp tục triển khai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 62/2013/QH13, Nghị quyết số 33/2016/QH14 và Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Cùng đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước và thực thi các quy định pháp luật của các cơ quan, đơn vị liên quan về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các dự án/công trình thủy điện, bảo đảm việc phát triển thủy điện an toàn, bảo vệ môi trường - xã hội và đạt hiệu quả khai thác tổng hợp.
Yêu cầu của kế hoạch cũng nêu rõ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện, khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các dự án/công trình thủy điện.
Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ để thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao hoặc các nhiệm vụ có liên quan.
Bộ Công Thương cho biết, tới đây Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì thực hiện tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng, chất lượng công trình, vận hành, khai thác, an toàn đập thủy điện. Từ đó, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo tuân thủ pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Mặt khác, Bộ sẽ tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quản lý chất lượng các dự án/công trình thủy điện từ giai đoạn quy hoạch đến khi nghiệm thu đưa vào vận hành khai thác của các cơ quan, đơn vị liên quan (cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư dự án, các nhà thầu tham gia thực hiện dự án...).
Rà soát kỹ nội dung các Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt là tổ chức thực hiện, tổng hợp tình hình thực hiện và đánh giá kỹ nội dung các phương án phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn đập, phòng, chống lũ lụt vùng hạ du do xả lũ và vỡ đập và bảo vệ đập tại các công trình thủy điện; rà soát, đánh giá khó khăn, vướng mắc tại các đập thủy điện chưa lập, trình duyệt các phương án nêu trên.
Theo Bộ Công Thương, Bộ đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Năng lượng làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện, tổng hợp, lập báo cáo trình Bộ trưởng Bộ Công Thương để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền liên quan về kết quả thực hiện kế hoạch này.
Kế hoạch đã và đang được Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai thực hiện từ giữa tháng 2 để cơ bản hoàn thành trong năm 2017 (ngoại trừ việc xây dựng các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ hoàn thành trong năm 2018 và các nhiệm vụ thường xuyên khác).