Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng, bè trên sông vẫn còn 942 lồng, bè ngoài vùng quy hoạch, gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy nội địa, dễ phát sinh dịch bệnh và làm ô nhiễm môi trường nước.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản lồng, bè bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp rà soát xử lý vi phạm nuôi thủy sản lồng, bè trên sông.
Hiện nay, tỉnh quy hoạch và bố trí vùng nuôi thả các loại cá Điêu hồng tập trung nhiều nhất ở các huyện: Cao Lãnh, Thanh Bình, Châu Thành và thành phố Cao Lãnh; cá He, Hú, Tra, Ba sa tập trung ở huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự; cá Bông và cá Lóc ở các huyện Tân Hồng, Tháp Mười và Tam Nông. Các loại cá khác như: Chim trắng, Bống tượng, Chình, Chài, bè nuôi cá giống, cá bố mẹ được thả nuôi trên toàn tỉnh.
Để đảm bảo an toàn về giao thông đường thủy nội địa, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, khống chế dịch bệnh, tăng cao hiệu quả nghề nuôi, theo ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, ngành nông nghiệp chỉ đạo tuyên truyền, vận động người nuôi lồng, bè hiện đang neo đậu ngoài vùng quy hoạch, thực hiện di dời đến vùng quy hoạch.
Đồng thời, ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản hướng dẫn người nuôi thực hiện đăng ký nuôi lồng, bè; xây dựng chuỗi liên kết để sản xuất các sản phẩm chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, hướng dẫn người nuôi thực hiện nuôi theo VietGAP hoặc các chứng nhận thực hành sản xuất thủy sản tốt. rà soát quản lý, sắp xếp, bố trí lại các vùng nuôi cá lồng, bè đến năm 2025; tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước ảnh hưởng đến vùng nuôi; hướng dẫn người nuôi lồng, bè…
Mục tiêu nuôi cá lồng, bè phải bảo đảm các tiêu chí: không gây ảnh hưởng đến luồng giao thông đường thủy, bến thủy nội địa, đò ngang và cách xa các cửa sông chính tối thiểu 200 m; không bố trí bè trên các tuyến sông biên giới do liên quan đến an ninh quốc phòng. Đồng thời, cách xa các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung, khu vực chợ, các bến thủy nội địa, khu vực bờ kè, các vực sâu và các tuyến sông có khu vực bờ bị bồi lắng hoặc bị sạt lở mạnh. Bên cạnh đó, không quy hoạch vùng nuôi ở nơi lấy nguồn nước mặt để cấp cho sinh hoạt dân cư, hoặc những vùng ven sông đã quy hoạch nuôi cá tra xuất khẩu để tránh việc nhiễm chéo, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm giữa các nhóm thủy sản. Các lồng bè được quy hoạch nơi có dòng nước sạch và đảm bảo dòng chảy tốt, có khả năng tự làm sạch cao nhằm hạn chế dịch bệnh.
Theo ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh tiến hành thực hiện thí điểm giải pháp nuôi bè cá kết hợp chỉnh trị tại các vị trí đang bị xói lở mạnh, vận tốc dòng chảy lớn áp sát bờ.
Giải pháp này vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, vừa góp phần chỉnh trị dòng sông, có tác dụng làm giảm vận tốc dòng chảy tác động vào bờ từ đó hạn chế được sạt lở bờ sông tại các vị trí như: bờ sông Tiền khu vực xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (nhánh sông Hàng Gòn). Bờ sông Tiền khu vực xã Tân Quới - Tân Bình, huyện Thanh Bình. Bờ sông Tiền khu vực xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh; bờ sông Tiền khu vực xã Bình Hàng Tây - Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh.
Các vùng quy hoạch nuôi cá lồng, bè phải được cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương quản lý; đồng thời từng bước giải tỏa lồng, bè ngoài vùng quy hoạch. Người nuôi phải được cơ quan quản lý chuyên ngành là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đăng ký.
Các ngành chức năng trong tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; thường xuyên quan trắc môi trường nước, thu thập đầy đủ thông tin về chất lượng nước, kịp thời có các khuyến cáo giúp người nuôi thực hiện tốt việc sản xuất và bảo vệ môi trường. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ nuôi chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa.