Đại hội lần thứ 23 của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INCOSAI 23) đã thành công từ ngày 23 - 27/9/2019 tại Liên bang Nga. Hoạt động chuyên môn với các phiên thảo luận chuyên đề là hoạt động không thể thiếu của mỗi kỳ Đại hội. Tại INCOSAI 23, chủ đề “Vai trò của Cơ quan kiểm toán tối cao trong việc đạt được các mục tiêu và ưu tiên Quốc gia” đã thu hút sự quan tâm của nhiều diễn giả và các đại biểu tham gia Đại hội.
Những thay đổi cơ bản trong kiểm toán công và chính sách công trên toàn thế giới đã tạo ra một môi trường và kỳ vọng mới cho SAI. Những thay đổi gần đây trong môi trường làm việc của SAI gồm: Các nước trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Chương trình nghị sự 2030) và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs); cuộc cách mạng dữ liệu; việc thông qua Khung tuyên bố nghề nghiệp INTOSAI và tuyên bố chuẩn mực thẩm quyền đối với kiểm toán INTOSAI; kỳ vọng và nghĩa vụ phát sinh từ chuẩn mực kiểm toán ISSAI-P 12: “Giá trị và lợi ích của SAIs tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của người dân”. Bối cảnh hiện tại đòi hỏi chất lượng công việc, phương pháp tiếp cận kiểm toán tốt hơn và yêu cầu SAI phải tìm tòi và tư duy sâu hơn về vai trò của SAI đối với trách nhiệm giải trình của Chính phủ.
Trong bối cảnh người dân và các bên đối tác của SAI không thật sự tán đồng các hành động của Chính phủ, họ rất quan tâm tới trách nhiệm giải trình xét về kết quả và đầu ra. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra và phát triển bền vững - được đặc trưng bởi tính toàn diện và liên kết với nhau, Chính phủ quốc gia cần sử dụng các cách tiếp cận sáng tạo và không ngừng phát triển để thực hiện các chính sách liên ngành và liên kết với nhau.
Mặc dù các chức năng cốt lõi, vai trò và tính độc lập của SAI không nên bị ảnh hưởng bởi các xu hướng ngắn hạn, một số khía cạnh về vai trò của SAI có thể cần phải thay đổi, phát triển phù hợp với những thay đổi liên tục của Chính phủ. SAI có thể xem xét việc phát triển các phương pháp kiểm toán công phù hợp với việc quản trị công ngày càng phức tạp - điều kiện cần thiết để các mục tiêu quốc gia và Chương trình nghị sự 2030 được thực hiện thành công. Hiện tại, cộng đồng kiểm toán công có thể tự hỏi liệu việc kiểm toán SDGs có thể ảnh hưởng đến vai trò của SAI như thế nào và những vấn đề mà SAI sẽ gặp phải trong tương lai liên quan đến việc kiểm toán SDGs.
Vậy các SAI cần hành động gì để thúc đẩy vai trò của SAI trong thực hiện mục tiêu quốc gia? Các ý kiến thảo luận tại Đại hội tập trung vào 3 nội dung chính sau đây:
Một là, chuyển đổi chiến lược, cân nhắc về cách tiếp cận và định hướng chiến lược đối với kiểm toán công. Phần lớn các SAI tin rằng phương pháp kiểm toán chiến lược nên tập trung vào các yếu tố khác nhau của chu trình thực hiện chính sách - từ đặt mục tiêu đến hoạch định chiến lược, thực hiện các chương trình và chính sách, đánh giá, báo cáo và học hỏi. Nếu thẩm quyền của SAI tương ứng và bối cảnh mà SAI hoạt động cho phép, việc này bao gồm:
Giải quyết các vấn đề quản lý chung và định hướng chiến lược thông qua việc đánh giá tính hoàn thiện của các hệ thống làm nền tảng cho quản trị chiến lược, đồng thời đánh giá sự chồng chéo hoặc lỗ hổng trong kế hoạch chiến lược của các lĩnh vực mà công chúng quan tâm. SAI có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá độ tin cậy của các báo cáo của chính phủ về việc đạt được các mục tiêu quốc gia bằng cách thực hiện kiểm toán và đưa ra các khuyến nghị về chất lượng của hệ thống báo cáo, các lỗ hổng trong thống kê và dữ liệu lưu trữ quan trọng, quản lý, điều phối quy trình báo cáo và tính nhất quán, độ sâu của thông tin được cung cấp.
Ngoài ra, SAI cung cấp một cái nhìn tổng quan về những gì Chính phủ đang cố gắng đạt được, xác định các rủi ro quan trọng và có tính hệ thống để đưa ra kết quả và nếu có thể, đưa ra các khuyến nghị về cách giảm thiểu những rủi ro này. SAI có thể tập trung vào: xác định các lĩnh vực rủi ro lợi ích quốc gia và quốc tế, giải quyết các vấn đề liên ngành như biến đổi khí hậu, chương trình an sinh xã hội, an ninh mạng, nhân khẩu học...; nâng cao nhận thức về rủi ro, là điều kiện thiết yếu cho phép SAI duy trì sự phù hợp và giúp củng cố niềm tin của người dân đối với các chính sách và thể chế công; nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý rủi ro hệ thống trong khu vực công nói chung ngoài các rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp và các rủi ro khác của một tổ chức.
Giải quyết các vấn đề toàn quốc có thể có nhiều tác động sâu rộng, như già hóa dân số, xu hướng kinh tế chung (thay đổi cơ cấu, mức nợ công, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và viện trợ nước ngoài...), mức độ đổi mới và các vấn đề có thể trở thành chủ đề quan trọng trong tương lai. Cách tiếp cận kiểm toán toàn quốc nhằm giải quyết ba yếu tố chính của việc tích hợp các chính sách và chương trình: ngang (giữa các Bộ), dọc (với các cấp chính quyền khác nhau) và tương tác giữa các bên (với xã hội dân sự và các bên liên quan). Cách tiếp cận toàn quốc là cần thiết để đảm bảo sự phối hợp của chính sách công với các cấp chính quyền, cũng như phản ứng tích hợp linh hoạt của chính quyền trước những thách thức liên tục xuất hiện để đạt được mục tiêu quốc gia.
Đánh giá sự gắn kết của các biện pháp chính sách, bao gồm đánh giá sự phối hợp tích cực hoặc tiêu cực giữa các chương trình, chính sách và kế hoạch (chiến lược) của chính phủ và xác định sự tương tác giữa các chính sách riêng lẻ, tính lan tỏa, tác động và hậu quả không lường trước và sự không nhất quán giữa các chính sách.
Thực hiện kiểm toán các cơ quan và tổ chức chịu trách nhiệm xây dựng các chiến lược và kế hoạch hành động. SAI nên tìm giải pháp cho vấn đề tăng cường năng lực của các cơ quan và tổ chức đó (ví dụ: trung tâm hành chính công) trong lĩnh vực quản lý chiến lược, quản lý việc thực hiện liên ngành và thúc đẩy đổi mới.
Thứ hai, cân nhắc về hoạt động phi kiểm toán và tăng cường tác động kiểm toán. SAI chiếm vị trí chiến lược trong hệ thống cấu trúc hiến pháp để xem xét và kiểm soát toàn bộ chu kỳ ngân sách và hoạt động của các cơ quan chính phủ, cho phép tích lũy kiến thức, nâng cao kỹ năng, cung cấp khả năng tổ chức và quyền lực thể chế cần thiết để kích thích cải thiện và thay đổi tích cực trong các cơ quan chính phủ quản lý.
Theo khảo sát, SAI cung cấp dịch vụ tư vấn dưới dạng phi kiểm toán. Phạm vi của dạng phi kiểm toán có thể bao gồm báo cáo, phụ lục thông tin, nền tảng web, hệ thống thực hành tốt nhất, phương pháp đánh giá kiểm soát nội bộ, tài liệu hỏi đáp thúc đẩy sự hiểu biết về các vấn đề kỹ thuật, tiêu chuẩn chuyên nghiệp...Các dịch vụ phi kiểm toán có thể tăng cường quản trị tốt, đồng thời duy trì tính toàn vẹn, khách quan và độc lập, đó là điều kiện tiên quyết quan trọng đối với SAI.
Thứ ba, tăng cường chất lượng kiểm toán thông qua hoạt động phân tích của SAI. Để duy trì tính độc lập và đảm bảo mức độ phù hợp, các SAI phải hiểu rằng mức độ phù hợp của SAI chủ yếu được quyết định bởi chất lượng công việc của SAI, điều này phụ thuộc vào năng lực của kiểm toán viên.
Để phát huy tiềm năng đầy đủ của SAI, điều quan trọng là SAI phải xây dựng năng lực quản lý, phân tích và giải thích dữ liệu hiệu suất và đánh giá dữ liệu cho mục đích kiểm toán, nâng cao kỹ năng đánh giá và dự báo trong SAI, phát triển kỹ năng đánh giá chương trình, phân tích dữ liệu và phân tích trí tuệ nhân tạo (AI), tư duy hệ thống, phân tích sự gắn kết chính sách... Cần phải có dữ liệu phân tích ở tất cả các giai đoạn của quy trình kiểm toán, từ lập kế hoạch đến báo cáo. Việc thúc đẩy thu thập dữ liệu và nâng cao năng lực phân tích tại SAI được khuyến khích để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.