Đến nay, tỉnh đã thu hoạch dứt điểm diện tích lúa này, năng suất bình quân 5,45 tấn/ha, sản lượng khoảng 496.9 tấn, tăng hơn 30% và vượt 116.9 tấn so với kế hoạch.
Giá lúa hàng hóa trên thị trường ở mức 5.300 - 5.600 đồng/kg, đầu ra tiêu thụ ổn định đã giúp cho một bộ phận nông dân có nguồn thu nhập khá, tháo gỡ khó khăn trong tình hình dịch bệnh, góp phần bù đắp những lĩnh vực sụt giảm, thiếu hụt trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Hiện nay, nông dân đang sản xuất vụ Mùa 2021 - 2022, với diện tích đã gieo cấy 66.945 ha, đạt hơn 110% so kế hoạch, tập trung ở các huyện An Minh, Vĩnh Thuận, An Biên, U Minh Thượng, Gò Quao, Giang Thành và thành phố Hà Tiên.
Tiếp đến, nông dân Kiên Giang vào giai đoạn tập trung xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 chính vụ, đã gieo sạ trên .950 ha, đạt hơn 24% so với kế hoạch, tập trung ở các địa phương vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu.
Tỉnh sẽ xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 dứt điểm trước 30/12/2021. Theo đó, các đơn vị chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi ở các vùng sản xuất trọng điểm trên địa bàn để ngăn mặn và giữ ngọt, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, đề phòng thiếu nước, xâm nhập mặn từ giữa đến cuối vụ.
Kiên Giang phối hợp với tỉnh An Giang thống nhất lịch lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp an toàn và hiệu quả.
Trong sản xuất vụ Đông Xuân này, tỉnh triển khai thực hiện cánh đồng lớn khoảng 2.800 ha ở 3 vùng sản xuất trọng điểm là Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng. Tham gia cánh đồng lớn, nông dân được hỗ trợ một phần chi phí mua lúa giống, vật tư nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật canh tác và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường khuyến nông, hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ lúa. Cụ thể là các tổ kinh tế kỹ thuật nông nghiệp xã theo dõi, kiểm soát chặt chẽ địa bàn cơ sở, kết hợp với nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện, xử lý những khu vực sản xuất có khả năng bị ảnh hưởng mặn, khuyến cáo nông dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới.
Tổ kinh tế kỹ thuật nông nghiệp các xã giám sát chặt chẽ đồng ruộng, kịp thời phát hiện, xử lý phòng trừ dịch bệnh gây hại trên lúa Mùa và Đông Xuân 2021 - 2022 như: bệnh đạo ôn lá, lem lép hạt, cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá, bù lạch, rầy nâu, sâu đục thân, muỗi hành…
Tuy nhiên, nông dân đang gặp bất lợi là giá vật tư nông nghiệp tăng khá cao, nhất là giá phân bón Urê 19.600 - 20.200 đồng/kg, NPK (16-16-8) 20.400 đồng/kg, NPK (20-20-15) 22.600 đồng/kg, DAP 24.000 đồng/kg…
Mặt khác, những chi phí khác tăng như: xăng dầu, làm đất, bơm tát… dẫn đến tăng chi phí sản xuất, lợi nhuận thấp, thậm chí huề vốn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình. Trong khi đó, đây là vụ lúa chính, chủ lực trong sản xuất nông nghiệp hàng năm của nông dân Kiên Giang.
Các ngành chức năng tỉnh phối hợp với huyện, thành phố tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, lúa giống trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm mua bán sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, nâng giá trái quy định… để giúp nông dân sử dụng sản phẩm chất lượng, sản xuất an toàn, hiệu quả.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang theo dõi chặt và nắm thông tin về tình hình mua bán, trao đổi, sản xuất các giống lúa: MS2019 RMTT - Master Ruma, MS2019 RMTT, VNR20 và những giống lúa không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang diễn ra trên địa bàn nhằm kịp thời chấn chỉnh và xử lý những vi phạm.
Ngành chức năng tuyên truyền vận động nông dân chọn lọc những giống lúa năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn mặn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để gieo trồng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả trong sản xuất. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân không mua những giống lúa trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ gieo trồng để phòng tránh những hệ lụy, thiệt hại có thể xảy ra.