Nhưng với mực nước còn hiện nay tại các hồ, sau khi xả nước, các hồ sẽ gần như về mực nước chết. Cộng với tình trạng mực nước sông Hồng cũng chưa bao giờ thấp như năm nay, nguy cơ thiếu nước, thậm chí là hạn hán ngày càng rõ nét.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, trước năm 2010, các hồ thủy điện chỉ phải xả khoảng 3 tỷ m3 với lưu lượng 1.500m3/s là đảm bảo đủ lượng nước cho khu vực gieo cấy.
Nhưng những năm gần đây, lượng nước xả tăng lên rất nhiều, từ 5-6 tỷ m3. Đồng thời khi tăng hết công suất xả với lưu lượng 3.000- 3.300 m3/s nhưng mực nước sông Hồng cũng hạ thấp rất nhanh. Đặc biệt năm 2018-2019, mực nước ở Trạm Thủy văn Hà Nội duy trì 2,2m, chỉ đạt trên 13% thời gian lấy nước.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Tỉnh nhận định, năm nay sẽ không có giờ nào Trạm Thủy văn Hà Nội có thể đạt được 2,2 m. Điều này cho thấy, diện tích gieo cấy tuy ngày càng giảm, việc chỉ đạo điều hành, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương cũng tốt hơn nhưng lượng nước phải xả ngày càng nhiều, với nguyên nhân chính là việc hạ thấp đáy sông.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng kế hoạch lấy nước đảm bảo mực nước tối thiểu tại Trạm Thủy văn Hà Nội cho các công trình có thể lấy nước được. Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương cần nhận thức được tình trạng trên để quán triệt đến tất cả các cấp chính quyền, người dân có giải pháp điều hành, phù hợp lấy nước hiệu quả nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, các địa phương cần xây dựng kế hoạch sát với điều kiện thiếu nước để từ đó có giải pháp phù hợp, đặc biệt là rà soát tổng thể hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo khi có nước về có thể lấy được nước tối đa.
Các đơn vị tổ chức kiểm tra thiết bị, nạo vét kênh mương, lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến, thậm chí là hạ thấp máy bơm để có thể lấy tối đa nguồn nước để không phụ thuộc vào việc xả của các hồ chứa thủy điện, tích trữ vào các vùng trũng, ao hồ… Các địa phương cần đảm bảo các diện tích lấy được nước trong khung thời vụ tốt nhất cũng như tiết kiệm nguồn nước để đảm bảo cho an ninh năng lượng.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, để đảm bảo gieo cấy trong khung thời thời vụ, các địa phương nên sử dụng các giống ngắn ngày. 12 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng sông Hồng có kế hoạch gieo cấy khoảng 600.000 ha. Trước tình hình thực tế về thời tiết, nguồn cung cấp nước, nhân lực, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với Tổng cục Thủy lợi kiểm tra thực tế các địa phương về kế hoạch điều chỉnh sản xuất. Diện tích chuyển đổi sản xuất đó cũng phải đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm.
Về dài hạn, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục giao cho các đơn vị liên quan khảo sát, nghiên cứu một số xây dựng, nâng cấp một số công trình như Phù Sa Ấp Bắc, Liêm Mạc (Hà Nội) .
Thông tin thêm về kế hoạch dài hạn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học, môi trường để tính toán phương án xây dựng đập dâng trên sông Hồng tại khu vực cống Xuân Quan (Hưng Yên) và cống Long Tửu (Hà Nội).
Việc xây dựng đập dâng này sẽ giúp hồi sinh hệ thống sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Đáy nhờ có dòng chảy tự nhiên. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng không cần xả nước tăng cường từ các hồ chứa thủy điện để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân như hiện nay. Nếu không làm đập dâng thì dự kiến năm 2022, các hồ thủy điện có xả hết các cửa, mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội cũng chỉ được 1,8m.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đây là bài toán lớn, ngành cần phải đánh giá rất cụ thể tác động về môi trường, thủy văn, địa chất, yếu tố kinh tế - xã hội...
Lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo, gồm 3 đợt, tổng cộng 18 ngày. Đợt 1: Từ 0 giờ 00’ ngày 20/1 đến 24 giờ 00’ ngày 23/1/2020 (4 ngày); đợt 2: Từ 0 giờ 00’ ngày 5/2 đến 24 giờ 00’ ngày 12/2/2020 (8 ngày); đợt 3: Từ 0 giờ 00’ ngày 19/2 đến 24 giờ 00’ ngày 24/2/2020 (6 ngày).
Với lịch trên, đợt 1 sẽ tập trung cho các địa phương ven biển và thau rửa một số hệ thống thủy lợi bị ô nhiễm; đợt 3 có mực nước rất thấp vì chỉ tập trung lấy nước ở vùng rất khó khăn như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ… Các địa phương khác tập trung lấy nước cơ bản trong đợt 2.