Ngành công thương các tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm theo dõi để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn ổn định sản xuất kinh doanh.
Tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… sức mua đã bắt đầu tăng tốc. Nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu ăn uống, tiêu dùng, giải trí và hàng tết… đang là những mặt thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng nhất. Các chương trình khuyến mãi Tết cũng đã bắt đầu khởi động.
Các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Aeon – Citimart, BigC, Lotte… đóng trên địa bàn các tỉnh, thành dự kiến tổ chức nhiều Chương trình khuyến mại, giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như: bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu, nước giải khát, đồ trang trí Tết, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, quần áo thời trang…
Tại TP Hồ Chí Minh, theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp đã cơ bản hoàn tất chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết, đủ khả năng cân đối cung - cầu thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thành phố và các địa phương lân cận.
Giá trị hàng hóa các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 18.424,8 tỷ đồng, tăng 3,44% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết 2018. Lượng hàng chuẩn bị tăng 13,2% - 16,9% so kế hoạch thành phố giao như thịt gia cầm chiếm 55,2%, trứng gia cầm 51,1%, thực phẩm chế biến 33,6%, thịt gia súc 31,7%, dầu ăn 34,5%, gạo 29,3%...
Cũng như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng đã tập trung dự trữ hàng hóa thiết yếu và thực hiện bình ổn giá tập trung cho giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Sau đó tiếp tục triển khai trong các tháng còn lại của năm 2019.
Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân năm 2019 gồm: Lương thực; thực phẩm chế biết; thực phẩm tươi sống… với tổng trị giá hàng hóa là 2.074 tỷ đồng với sự tham gia của 12 doanh nghiệp gồm: Sai gon Co.op, Lotte, Aeon - Citimart, EB Bình Dương (Siêu thị BigC Bình Dương và Siêu thị BigC Dĩ An), Phạm Tôn, Ba Huân…
Dự kiến số lượng gia súc, gia cầm sẽ cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán tại địa phương tương đương 562 tấn thịt trâu, bò; thịt heo tương đương 4.411 tấn thịt; thịt gia cầm tương đương 1.425 tấn thịt và khoảng 36.000.000 quả trứng gia cầm.
Về dự trữ hàng hóa thiết yếu tại các Chợ truyền thống để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân giai đoạn trước, trong và sau Tết dự kiến: lương thực là 910.000 kg, thực phẩm chế biến là 2.198.000 kg, thực phẩm tươi sống là 230.000 kg với tổng giá trị là 125,62 tỷ đồng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, đơn vị đã cùng với các doanh nghiệp lớn về cung ứng thực phẩm trên địa bàn có kế hoạch để đảm bảo nguồn cung, triển khai chương trình bình ổn giá... vào Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 ngay từ rất sớm, mức dự trữ hàng hóa tăng từ 15-20% so với các tháng trong năm.
Hiện tại, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa, các chợ, hợp tác xã... để chủ động phân bổ, điều tiết nguồn hàng, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng và tăng giá cục bộ vào dịp tết đối với các mặt hàng thiết yếu.
Năm nay, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường tại các tỉnh cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Đồng thời, thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm...
Đại diện các siêu thị cho rằng, trừ các mặt hàng rau củ, trái cây có thể điều chỉnh giá bởi diễn biến thị trường, hầu hết sản phẩm bán tại siêu thị sẽ không có biến động giá. Đại diện Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết để chuẩn bị nguồn cung dự trữ, điều tiết giá hàng hóa Tết, đơn vị đã chuẩn bị lượng hàng thiết yếu lên gấp 2-4 lần và tăng tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên 5-10 lần so với tháng kinh doanh thông thường, đặc biệt là nhóm thực phẩm Tết.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành công thương các tỉnh TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương là những địa phương thực hiện rất tốt việc chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường, giá cả dịp cuối năm. Đồng thời, tích cực trong việc phối hợp, chuẩn bị hàng hóa thị trường Tết Nguyên đán, giúp Bộ Công Thương nắm bắt sát được tình hình thị trường tại địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chung.
Tuy nhiên, các tỉnh cũng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết trên địa bàn. Chủ động phối hợp, báo cáo tình hình thị trường Tết với Bộ Công Thương, nhất là thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán 2019, có phương án hoặc đề xuất biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.
Không chỉ góp phần ổn định giá cả thị trường trên địa bàn, chương trình Bình ổn thị trường nhiều năm nay luôn giữ vai trò điều tiết diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu. Xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, chương trình này đã tạo được sức lan tỏa lớn đến nhiều tỉnh, thành khác.
Đến nay, chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh có 90 doanh nghiệp tham gia; trong đó có 17 doanh nghiệp của các tỉnh, thành phía Nam, chủ yếu tham gia cung ứng các mặt hàng nông lâm, thủy hải sản.
Nhờ sự kết nối này giữa chính quyền TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành mà các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh; đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối; chủ động trong tạo nguồn nguyên liệu, hàng hóa, kiểm soát chất luợng, ổn định giá cả thị trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp các tỉnh vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.