Cụ thể, mốc thời gian các dự án này được Bộ Giao thông vận tải đề ra gồm Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 (Vĩnh Phúc) sẽ khởi công tháng 12/2023 và dự án nâng tĩnh không cầu (Ban Quản lý các dự án Đường thủy làm chủ đầu tư) khởi công tháng 11/2023; Dự án Quốc lộ 8C (Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh làm chủ đầu tư) khởi công tháng 9/2023; Dự án tuyến tránh phía Đông thành phố Đông Hà (Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị làm chủ đầu tư) khởi công tháng 10/2023.
Ngoài ra, Dự án Quốc lộ 4B Lạng Sơn (Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn làm chủ đầu tư) khởi công tháng 12/2023; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận (Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư) khởi công tháng 12/2023 và Dự án Cầu Đại Ngãi (Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư) khởi công tháng 9/2023.
Với các Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, trước tiên là các dự án thành phần đã thông xe đưa vào khai thác (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án quyết liệt chỉ đạo nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát tập trung thi công dứt điểm các hạng mục còn lại trong tháng 9; hoàn thành các hạng mục bổ sung theo kiến nghị của địa phương trước ngày 31/12/2023.
Với Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 (thời gian hoàn thành tháng 12/2023), Ban Quản lý dự án 7 chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tăng mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch.
Riêng 2 dự án Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo (thời gian hoàn thành năm 2024), tiến độ đang bị chậm, Bộ Giao thông vận tải đã có rất nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đồng thời yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 và Ban Quản lý dự án 85 bám sát các chỉ đạo của bộ để chỉ đạo các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân, đặc biệt là dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; rà soát quy định hợp đồng để đề xuất xử lý theo quy định trong trường hợp các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không đáp ứng năng lực theo yêu cầu.
Về dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (hoàn thành tháng 12/2023), Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận giám sát đặc biệt quá trình triển khai dự án, quyết liệt chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu và các đơn vị có liên quan tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Liên quan đến Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2), Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với cơ quan tham mưu của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa, hoàn thành thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng; hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công; theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để kịp thời nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh hồ sơ thiết kế (nếu có) cho phù hợp.
Đối với dự án thành phần cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu khẩn trương hoàn thành các thủ tục, ký hợp đồng gói thầu xây lắp còn lại để triển khai thi công.
Đánh giá tiến độ giải ngân cơ bản được bảo đảm, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết 8 tháng của năm 2023, Bộ đã giải ngân được khoảng 49.723 tỷ đồng (đạt khoảng 52% kế hoạch năm), nhiều dự án đường bộ cao tốc đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước được Đảng, nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Để đạt được mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công phải hết sức tập trung, nỗ lực chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao nhất, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án bám sát tiến độ, kế hoạch đã đăng ký theo từng tháng, quý, quyết liệt đôn đốc đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu để đẩy nhanh tiến độ dự án; xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ, viên chức yếu kém về năng lực, có hành vi nhũng nhiễu trong các khâu nghiệm thu, thanh toán, gây cản trở giải ngân vốn đầu tư công.
"Đặc biệt, với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa đáp ứng tiến độ giải ngân cần triển khai ngay các giải pháp để bù lại tiến độ đã bị chậm đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc tại công trường. Người đứng đầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu kết quả giải ngân không đạt yêu cầu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bộ Giao thông vận tải cũng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của bộ để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm.