Các tàu tiếp nhận hàng hóa tại cảng Cửa Việt. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc đầu tư xây dựng cảng biển và thực hiện quy hoạch cảng biển của Việt Nam trong thời gian vừa qua?Việc quản lý, đầu tư xây dựng các cảng biển trong hệ thống cảng biển của Việt Nam hiện nay có một bất cập rất lớn. Đó là việc đầu tư xây dựng vẫn còn manh mún, quy mô không phù hợp và không đồng bộ.
Có hiện trạng trên là do phụ thuộc vào năng lực tài chính của mỗi doanh nghiệp. Có doanh nghiệp thì chú trọng đầu tư vào cảng bến mà không chú trọng vào đầu tư kho tàng, bến bãi hoặc không tập trung vào việc nâng cấp hiện đại các trang bị bốc dỡ. Điều này dẫn đến tình trạng trong cùng một khu bến có nhiều doanh nghiệp khác nhau cùng khai thác cảng biển dẫn đến làm dư thừa công suất kéo theo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa chính các doanh nghiệp này.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên theo chúng tôi là còn thiếu một nhạc trưởng (một tổ chức) để điều phối việc đầu tư xây dựng, khai thác cả một khu vực cảng biển tại một địa phương. Hiện nay một số địa phương do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đồng thời cũng mong muốn kinh tế của địa phương phát triển một cách nhanh chóng, bứt phá đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng các khu bến với quy mô rất lớn.
Đặc biệt, trong một số trường hợp vẫn có những khúc mắc hay nói đúng hơn là không tìm được tiếng nói chung giữa Bộ Giao thông Vận tải và địa phương, trong trường hợp này Bộ Giao thông Vận tải phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trước những bất cập mà Thứ trưởng vừa đề cập, tới đây Bộ Giao thông Vận tải có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?Bộ Giao thông Vận tải đang báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mô hình mới. Mà chủ trương này đã được đưa vào quy định trong Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015.
Cụ thể, mô hình này gọi là Ban Quản lý đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển tương tự như mô hình các nước trên thế giới xây dựng đó là chính quyền cảng. Tuy nhiên, đến nay việc báo cáo, giải trình với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang được thực hiện và hy vọng trong thời gian tới sẽ được Chính phủ chấp thuận cho thực hiện tại một số khu vực mới theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải .
Dự kiến trong thời gian tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ trì tổ chức một hội nghị toàn quốc về phát triển logistics. Vậy Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề xuất những chính sách gì để thúc đẩy hoạt động logistics phát triển?
Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, dành nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ phù hợp với chiến lược quy hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp; chiến lược xuất nhập khẩu và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương; trong đó, đặc biệt ưu tiên cho phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đầu tư nạo vét tuyến luồng khu vực Cái Mép - Thị Vải để đảm bảo có thể đón được các tàu siêu lớn 24/24h, để qua đó đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng của Việt Nam cũng như từng bước đưa khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải trở thành một cảng với chức năng trung chuyển quốc tế.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính cũng như kiểm tra chuyên ngành, qua đó loại bỏ những thủ tục không cần thiết hoặc đơn giản hóa các thủ tục. Hoặc thay vì thực hiện hoạt động tiền kiểm thì sẽ ưu tiên thực hiện hoạt động hậu kiểm.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải mong muốn Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan; trong đó có Bộ Công an tiếp tục triển khai quyết liệt việc kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến quốc lộ.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!