Sẽ hết cửa “khai khống” thời gian thu phí

Tổng mức đầu tư được phê duyệt tại các dự án BOT giao thông chỉ là căn cứ ban đầu để dự tính thời gian hoàn vốn và giá trị quyết toán cuối cùng được cấp có thẩm quyền chấp thuận mới là giá trị để cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư ký hợp đồng điều chỉnh vốn, xác định thời gian thu phí. Điều này ngăn chặn tuyệt đối tình trạng nhà đầu tư “khai khống” giá trị xây lắp để kéo dài thời gian hoàn vốn.


Khó “chốt” thời gian thu phí

Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) Nguyễn Tuấn Huỳnh khẳng định: Không có dự án giao thông BOT nào khi ký hợp đồng với nhà đầu tư mà chốt được tổng mức đầu tư và thời gian thu phí chính xác. Thực tế, tổng mức đầu tư của dự án gồm các chi phí: Xây dựng, giải phóng mặt bằng, dự phòng, lãi suất… nhưng không thể đo đếm chính xác khối lượng cụ thể để tính ra chi phí, thời gian thực hiện.

Dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát đang gấp rút thi công cán đích.


Dự án BOT mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát do Cienco4 thực hiện được Bộ GTVT phê duyệt vốn ban đầu hơn 3.600 tỷ đồng, nhưng thực tế tổng mức của dự án này mới hết khoảng trên 2.900 tỷ đồng. Số vốn dư được Bộ GTVT chấp thuận sử dụng xây dựng thêm 2 cầu vượt đường sắt nhánh Tây Nghi Sơn… Hiện, dự án muốn quyết toán được phải chờ kết quả của các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập để tổng hợp chốt phương án tài chính.

"Do là hợp đồng mở nên ngay cả trong quá trình thu phí, nếu lưu lượng phương tiện tăng đột biến, không như hồ sơ thiết kế, Bộ GTVT sẽ xác định để điều chỉnh hợp đồng, có thể cắt giảm thời gian thu phí. Nếu dự án không thu được đúng như hồ sơ thiết kế, hai bên ngồi lại với nhau để xác định và điều chỉnh tăng thời gian thu phí. Việc tăng hay giảm phải đúng với thực tế để đảm bảo công bằng giữa các bên”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể

Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, kể cả khi dự án đã có phương án tài chính, thời gian thu phí hoàn vốn cũng khó “chốt”, bởi quá trình thi công dự án liên tục thay đổi do phụ thuộc vào giá nguyên vật liệu, lãi suất vốn vay. Dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát được phê duyệt phương án tài chính thu phí là 14 năm, nhưng do tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm trên tuyến lớn hơn dự kiến, sau khi đưa vào khai thác, dự án chắc chắn sẽ phải điều chỉnh giảm thời gian thu phí xuống khoảng 12 năm.

Hay tại dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho biết: Dự án khởi công từ tháng 11/2012, dự kiến xong vào tháng 7/2017, tổng mức đầu tư ban đầu 15.603 tỷ đồng. Hiện dự án đã được điều chỉnh giảm xuống còn 11.378 tỷ đồng mà không thay đổi mục tiêu đầu tư. Dự án được phê duyệt thời gian thu phí hoàn vốn là hơn 40 năm. Nhưng, do thời gian hoàn vốn quá lâu, để hạn chế rủi ro phần bảo lãnh vốn vay của Nhà nước, dự án đã được điều chỉnh xuống còn 28 năm sau khi đi vào khai thác…

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: Tổng mức đầu tư được duyệt chỉ mới là giá trị đàm phán, xác định thời gian hoàn vốn ban đầu với nhà đầu tư và giá trị quyết toán cuối cùng được cấp có thẩm quyền chấp thuận mới là giá trị để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư xác định thời gian hoàn vốn. Trong bước lập dự án đầu tư, không thể tính toán chính xác chi phí thực tế đầu tư xây dựng công trình. Thời gian thu phí chính thức được quyết định theo giá trị quyết toán công trình, nên phần kinh phí chênh lệch giữa tổng mức đầu tư và chi phí thực tế đầu tư không phải là thất thoát hoặc lãng phí và nhà đầu tư không thể khai khống tổng mức đầu tư nhằm kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn.

Thanh tra để quyết toán chính xác

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Thời gian qua, Bộ GTVT đã chủ động mời thanh tra, cơ quan điều tra và liên ngành thanh tra các dự án BOT để công khai, minh bạch và xác định chính xác suất đầu tư và xây dựng phương án thu phí, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Qua thanh tra, Bộ GTVT đã phát hiện tình trạng trình tự thủ tục không trùng khớp, quy trình thực hiện thi công không đảm bảo tiến độ, chất lượng… tại một số dự án BOT. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng lớn đến suất đầu tư, giá thành.

Công tác thẩm tra, phê duyệt dự án BOT hiện nay được Bộ GTVT thực hiện chặt chẽ theo quy định tại Nghị định 15/2015/CP về đầu tư các dự án đối tác công tư. Ngoài ra, toàn bộ công tác thẩm tra các dự án BOT, Bộ GTVT đã thống nhất với Bộ Xây dựng thẩm tra để bảo đảm khách quan, minh bạch tất cả các dự án đang triển khai, sắp hoàn thành đưa vào khai thác. Điều này, đảm bảo các dự án trước khi quyết toán, đều được rà soát quy trình, quy phạm, đúng suất đầu tư, đúng giá thành… làm cơ sở hoàn thiện hợp đồng thu phí, xác định thời gian thu phí, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay, các dự án BOT đang triển khai vẫn đang được thanh kiểm tra gắt gao. Theo quy định, mỗi dự án có một đơn vị tư vấn kiểm toán độc lập rà soát tất cả các trình tự, thủ tục, đơn giá, phương án thi công, phương án tài chính. Chủ đầu tư sẽ cùng nhà đầu tư có trách nhiệm tự rà soát lại toàn bộ trình tự, đơn giá, phương án thi công… phục vụ việc quyết toán và chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT. Đến nay, Nghị định 15/2015/CP cũng đã tương đối hoàn chỉnh, các nhà đầu tư trong nước yên tâm bỏ vốn ra kinh doanh.

Tiến Hiếu
Từ 13/8, bắt đầu thu phí Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Thuận
Từ 13/8, bắt đầu thu phí Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Thuận

Bộ Giao thông Vận tải cho phép Công ty Cổ phần BOT Quốc lộ 1A Bình Thuận được tổ chức thu phí tại trạm thu phí tại Km1661+600 QL1 kể từ 0h ngày 13/8/2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN