Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trần Quang Hà đặt vấn đề: Cách mạng công nghiệp 4.0 là tự động hóa toàn diện với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dự liệu số hóa và công nghệ thông tin để chia sẻ toàn cầu, làm thay đổi các phương thức và lực lượng sản xuất vận tải. Thực tế này sẽ tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế xã hội, mà trọng tâm là “mạch máu giao thông” phục vụ con người.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì tọa đàm |
Dẫn chứng, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho hay, 10 năm trước đây, ngay cả các hang viễn thông hàng đầu thế giới cũng không thể tin mạng xã hội Facebook lại đứng đầu trong lĩnh vực liên lạc di động. Và chỉ 3 năm trước đây, người dân Việt Nam khó ai tin được vận tải hành khách công cộng Uber, Grab lại phục vụ được con người thay vì “vẫy” taxi.
Thêm vào đó, một tuyến đường, một cây cầu, một công trình giao thông… hiện nay đều có thể giám sát, theo dõi trực quan, trực tuyến, minh bạch từ khâu thiết kế, tiến độ thi công cho đến khi vận hành, bảo trì. Cùng với các dịch vụ công thông minh được tự động hóa toàn điện đang diễn ra tại tất cả các lĩnh vực đường thủy, đường bộ, đường sắt và hàng không để phục vụ người dân. Tất cả các yếu tố “tự động hóa” thông minh phục vụ phát triển GTVT này đều là khởi điểm của kỷ nguyên 4.0.
Do đó, theo ông Trương Gia Bình, không còn cách nào khác, GTVT phải đi trước đón đầu phát triển ngành trên nền tảng công nghiệp 4.0, đây có thể là ưu tiên hàng đầu để thoát khỏi “trì trệ” từ công nghiệp 1.0 với phương thức vận tải cơ khí, đến công nghiệp 2.0 công nghiệp hóa phương tiện vận tải, đến công nghiệp 3.0 tự động hóa với giao thông thông minh và đến công nghiệp 4.0 kết nối, chia sẻ các phương thức vận tải.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, GTVT luôn là ngành quản lý, khai thác và sử dụng nguồn lực lớn của xã hội, của mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, sử dụng một lực lượng lao động phổ thông rất lớn, đây chính là thách thức lớn khi đối diện với công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng từng ngày.
Hiện nay, ngành GTVT có đầy đủ các biểu hiện của cả các cuộc cách mạng 2.0, 3.0 và trong kỷ nguyên 4.0 đã hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, áp dụng các công nghệ thông tin, kết nối internet trong cung cấp các dịch vụ vận tải (đặt vé, check-in tàu hỏa, máy bay, thu phí tự động không dừng…0); xuất hiện các dịch vụ vận tải trên nền tảng internet như Uber, Grab; cung cấp các dịch vụ công qua internet như cấp đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm… và đang tiếp cận mạnh mẽ cuộc cách mạng 4.0.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Hà chia sẻ, do hạn chế về nguồn lực và chưa có mô hình tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin, nên các ứng dụng còn phát triển trong phạm vi hẹp, mới đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ đơn lẻ, chưa hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ ở phạm vi toàn ngành GTVT, chưa có kết nối và chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, địa phương.
Vì vậy, trước xu thế công nghiệp 4.0, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, thời gian tới, ngành GTVT sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; giải quyết căn bản tình trạng mất cân đối thị trường vận tải giữa các phương thức vận tải. Quan trọng nhất là ngành GTVT sẽ xây dựng “chiến lược số hóa”, ứng dụng quản trị thông minh, từng bước triển khai tự động hóa toàn điện trong mọi lĩnh vực giao thông để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời phát huy nội lực, nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực. Đây chính là cốt lõi đột phá của công nghệ 4.0 và là thách thức cần giải quyết của ngành GTVT.