Doanh nghiệp nội phải chuyển mình theo công nghiệp 4.0 để tồn tại - Bài cuối

Từ văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp (DN) nội nhìn từ Vinasun và DN xăng dầu, các chuyên gia cho rằng muốn cạnh tranh với DN ngoại, bản thân DN nội cần phải chuyển mình và theo kịp tốc độ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Theo chuyên gia kinh tế, LS.TS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân Bizlight, DN có nhiều biện pháp cạnh tranh như: cạnh tranh giá cả (giảm giá), cạnh tranh phi giá cả (khuyến mãi, quảng cáo)… Hay cạnh tranh về một mức độ nào đó mà ở đó, dưới các điều kiện về thị trường tự do và công bằng có thể sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, đồng thời tạo ra việc làm cho người lao động và nâng cao được thu nhập thực tế cho DN và người lao động.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, DN nội nào đi nhanh sẽ thắng thế.

Thêm nữa, các doanh nghiệp cần phải tăng cường năng lực quản trị kinh doanh, cải thiện sự yếu kém về tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh doanh, cần kết nối với nhau để cùng phát triển. Doanh nghiệp cũng cần chú ý phát triển nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động…


Ngoài ra, các DN cần chú trọng đến 3 yếu tố: giá cả, chất lượng sản phẩm và nhãn hiệu sản phẩm để tăng cường cạnh tranh lành mạnh.


Theo LS.TS Tín, giá cả sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thị phần của DN và khả năng sinh lời. Đồng thời, giá cả còn là một công cụ linh hoạt nhất, mềm dẻo nhất trong cạnh tranh. Bởi giá của sản phẩm dịch vụ trên thị trường được hình thành thông qua thỏa thuận giữa người bán và người mua, đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hay không mua của khách hàng. 


Theo đó, trong nền kinh tế thị trường, với cùng một loại sản phẩm dịch vụ với chất lượng tương đương nhau, chắc chắn họ sẽ lựa chọn mức giá bán thấp hơn đối với sản phẩm mà họ cần mua.


Bên cạnh đó, khi đời sống của con người được cải thiện thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ trở thành vấn đề cấp bách đối với mỗi doanh nghiệp.

Chất lượng sản phẩm, dịch vụ là một trong yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Tuyết

Chất lượng sản phẩm dịch vụ có tác động đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp được thể hiện ở chỗ: Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ sẽ làm tăng tốc độ tiêu thụ sản phẩm dịch vụ, tăng khối lượng hàng hóa bán ra… Sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao sẽ làm tăng uy tín của doanh nghiệp, kích thích khách hàng mua hàng và mở rộng thị trường.


Trong hoạt động dịch vụ, chất lượng sản phẩm không nằm trong chính hàng hóa hóa được tạo ra từ sản xuất mà còn là chất lượng dịch vụ. Do đó, dịch vụ nào đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu người dùng, đem lại cảm giác thoải mái, an toàn và tiện lợi sẽ được người tiêu dùng lựa chọn.


Hiện rất nhiều DN nội đang mắc các sai lầm khi đẩy mạnh số lượng để mở rộng thị phần lại quên đi yếu tố này, dẫn đến bị DN ngoại “cướp” đi thị phần trên sân nhà.


Bên cạnh hai yếu tố trên thì nhãn hiệu sản phẩm cũng được xem là một tiêu chí đánh giá khả năng cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ. Khách hàng sẽ yên tâm hơn khi lựa chọn và mua những sản phẩm dịch vụ nếu họ biết đầy đủ về sản phẩm dịch vụ đó.


Thực tế, nhãn hiệu sản phẩm dịch vụ là những yếu tố phi vật chất gắn liền với sản phẩm dịch vụ. Theo đó, sản phẩm dịch vụ được khách hàng lựa chọn, có uy tín, để lại ấn tượng trong tâm trí khách hàng sẽ có khả năng cạnh tranh cao.


Tuy nhiên, trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, 3 yếu tố trên đều áp dụng công nghệ toàn diện để tiếp cận khách hàng nhanh nhất, hiệu quả nhất. Vì thế, để có thể cạnh tranh được với DN ngoại, các DN nội phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách thay đổi tư duy quản lý, quản trị; phải nâng cao trình độ và tay nghề cho người lao động; phải tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh.


“Có như vậy, sản phẩm dịch vụ của DN Việt sẽ giữ vững được vị trí của mình trên thị trường trong nước, đồng thời đủ tầm để vươn xa hơn ra thị trường ngoài nước”, LS.TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh.


Hải Yên/Báo Tin Tức
Doanh nghiệp nội phải chuyển mình theo công nghiệp 4.0 để tồn tại - Bài cuối
Doanh nghiệp nội phải chuyển mình theo công nghiệp 4.0 để tồn tại - Bài cuối

Từ văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp (DN) nội nhìn từ Vinasun và DN xăng dầu, các chuyên gia cho rằng muốn cạnh tranh với DN ngoại, bản thân DN nội cần phải chuyển mình và theo kịp tốc độ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN