Sau khi hạ hai bậc xếp hạng tín nhiệm đối với nợ chính phủ của Italia hôm 13/1/2012 (từ A xuống BBB+), hãng Standard and Poor's (S&P) của Mỹ cuối tuần qua tiếp tục đánh tụt xếp hạng tín nhiệm của 34 ngân hàng Italia, trong đó có các thể chế tài chính hàng đầu như UniCredit, Intesa Sanpaolo, Banca Nazionale del Lavoro và Mediobanca, trên cơ sở viện dẫn những quan ngại về sự thiếu ổn định của khu vực tài chính Italia cùng với những dự đoán về việc sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng này.
Mediobanca- một trong nhũng định chế tài chính bị hạ bậc tín nhiệm. Nguồn: relbanks.com. |
Phản ứng trước động thái trên, Thủ tướng Italia Mario Monti cho rằng việc S&P đánh tụt xếp hạng tín nhiệm của 34 ngân hàng Italia là "quyết định mang tính máy móc", chủ yếu do ảnh hưởng của quyết định hôm 13/1. Theo đó, UniCredit, Intesa Sanpaolo, Banca Nazionale del Lavoro hay Mediobanca bị "sờ gáy" cũng là vì cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng tại Italia và nhiều nước châu Âu, cho dù "sức khỏe" của các thể chế tài chính này vẫn tốt.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 11/2011, ông Mario Monti đã thúc đẩy kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" một cách khắt khe, đồng thời đề nghị châu Âu trợ giúp nhằm giảm chi phí đi vay của Italia trên các thị trường nợ. Những nỗ lực này đã đưa lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italia giảm xuống mức có thể chấp nhận được là 6%, so với khoảng 7% hồi cuối năm ngoái.
Trong bối cảnh nợ công cao ngất ngưởng và nền kinh tế đất nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, Italia đang phải đối mặt với muôn vàn thách thức trong năm nay, trong khi vẫn cần phải vay nợ thêm khoảng 450 tỷ euro (571 tỷ USD) với lãi suất cao hơn bình thường.
Cũng vào cuối tuần trước, S&P đã hạ xếp hạng đối với cả đồng nội tệ và ngoại tệ mà Hy Lạp nắm giữ từ B+ xuống B, do ngoại tệ dự trữ của Hy Lạp đang giảm mạnh cũng với những lo ngại bất ổn chính trị tại quốc gia này.
Hồi tháng 11/2011, S&P đã hạ xếp hạng tín nhiệm đối với nợ của Hy Lạp với cùng những lý do trên, đồng thời cho rằng viễn cảnh của Hy Lạp là tiêu cực. Cũng theo S&P, việc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp can thiệp nhằm hỗ trợ đồng nội tệ đã làm dự trữ ngoại tệ của nước này giảm xuống còn tương đương 16 tỷ USD tính đến cuối tháng 1/2012, so với 36 tỷ USD hồi đầu năm 2011.
Trang Nhung (Theo AFP)