Sự trỗi dậy khó cưỡng của Trung Quốc sẽ buộc Mỹ phải xét lại quan điểm của mình về quyền lực lãnh đạo thế giới. Từ bỏ ánh hào quang chưa bao giờ là điều dễ dàng. Mỹ, có thể xem như một minh tinh luống tuổi, đang phải vật lộn để chia sẻ sân khấu với nhiều gương mặt mới, nổi nhất là Trung Quốc. Hai kì Hội nghị tới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) – những thể chế do Mỹ và các đồng minh phương Tây lãnh đạo, chi phối, sẽ là cơ hội tuyệt vời đánh dấu mốc về sự thay đổi đó.
Đồng USD sẽ khó có thể duy trì vị thế thống trị trong hệ thống tài chính toàn cầu. Ảnh: Zero Hedge |
Nước Mỹ giờ phải quen với một thực tại rằng thế giới đã thay đổi. Càng cố gắng tỏ ra là quốc gia chỉ thích nói “từ chối”, Mỹ sẽ chỉ làm hủy hoại lợi ích quốc gia và ảnh hưởng toàn cầu của chính mình - thứ quyền lực vẫn còn được duy trì, nhưng đang bị thách thức hơn bao giờ hết.
Thế giới không còn đi theo trật tự cũ thời Chiến tranh Lạnh, với hai khối đối đầu trực diện. Nó cũng không còn là hình thái “hòa bình dưới quyền lực thống trị Mỹ” (Pax American) – một xu thế kéo dài cả thập kỉ từ sau sự sụp đổ của Liên Xô, đưa Mỹ nổi lên là siêu cường duy nhất. Thế giới ngày nay được đặc trưng bởi yếu tố đa cực, với sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang nổi, đáng kể nhất là Trung Quốc. Đó chính là những nhân tố lớn chi phối thương mại và tài chính toàn cầu. Mỹ giờ vừa phải cạnh tranh, vừa phải hợp tác không chỉ với Trung Quốc, mà còn cả Ấn Độ, Brazil.
Hệ quả đi kèm là Mỹ phải cố chứng minh quyền lực lãnh đạo, nhưng lại phải học được cách chuyển đổi thích ứng với thời cuộc. Mỹ không thể đứng ngoài phủ nhận các nỗ lực của Trung Quốc muốn mở rộng vai trò trong hoạt động điều hành toàn cầu, cũng không thể cứng rắn chỉ trích, trừng phạt các đồng minh không tuân theo Washington - ví như việc Anh, Pháp, Đức, Italy tuyên bố gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng.
Mỹ dường như bị kẹt trong hệ thống Bretton Woods, một hiệp ước được hình thành sau Thế chiến 2, dẫn đường cho sự ra đời của IMF, WB, với một hệ thống tiền tệ đặt đồng USD làm trung tâm. Chính hệ thống này đã thể chế hóa quyền lực địa chính trị tối thượng của Mỹ, thay thế quyền lực Anh vốn đã suy yếu.
Thế nhưng, theo thời gian Bretton Woods với đặc trưng pha trộn giữa chủ nghĩa tự do đa phương với chính sách kinh tế thị trường, đã dần trở thành biểu tượng cho sự thống trị của quyền lực Anh – Mỹ (Anglo – American) trong nền kinh tế toàn cầu – điều hiện bị nhiều nước lên tiếng chỉ trích, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây. Nói cụ thể ra, cái gọi là “Đồng thuận Washington” - những lý luận về tự do thị trường ảnh hưởng tới chính sách của IMF, WB, Mỹ, Anh đã bị sứt mẻ đáng kể.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ về thành lập AIIB tại Bắc Kinh, tháng 10/2014. Ảnh: Reuters |
Trong một cục diện như vậy, không mấy khó hiểu khi Trung Quốc tìm cách sử dụng ảnh hưởng toàn cầu của mình để thúc đẩy một trật tự kinh tế mới mà ở đó đồng USD không còn giữ được vị thế thống soái. Ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) – Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đã nhiều lần kêu gọi việc hướng đến một hệ thống tiền tệ quốc tế cho phép sử dụng nhiều đồng tiền trong thanh toán, đầu tư, vì điều này giúp giảm thiểu nguy cơ và tác động của khủng hoảng thanh khoản. Trong rổ tiền tệ này đương nhiên có đồng nhân dân tệ (NDT).
Kể từ năm 2009, giới lãnh đạo Trung Quốc đã theo đuổi một loạt các chính sách tăng cường sử dụng NDT trong các giao dịch thương mại với các nước trong khu vực, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thanh toán quốc tế. Thế nhưng hình thức giao dịch hoán đổi tiền tệ này mới chỉ là bước đầu tiên trong việc thể chế hóa một trật tự đa cực mới. Liền sau đó, Bắc Kinh là người đi tiên phong trong việc thiết lập các thể chế tài chính đa phương mới, với sự ra đời của AIIB tiếp sau Ngân hàng Phát triển mới (do nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc) thành lập. Bằng những bước đi mạnh mẽ này, Bắc Kinh muốn dư luận chú ý tới một thực tại: Hệ thống tiền tệ toàn cầu hiện nay đã không còn phù hợp với một bối cảnh kinh tế đa cực, đầy phức tạp.
Dĩ nhiên, Mỹ có lý do để tự vấn trật tự mà Trung Quốc kì vọng kia có mang tính mở, dựa trên các nguyên tắc về minh bạch, luật lệ hay không. Thế nhưng câu trả lời chỉ có thể tìm ra nếu như Mỹ “kéo” được Trung Quốc vào tiến trình cải cách điều hành tài chính - tiền tệ toàn cầu. Cách “từ chối” Trung Quốc, ví như việc đứng ngoài phản đối các đồng minh gia nhập AIIB, sẽ không phải là một giải pháp hay. Hội nghị Mùa xuân của IMF và WB sẽ là cơ hội tốt để Mỹ phát đi tín hiệu về một cách thức tiếp cận mới đối với Trung Quốc.
Hoài Thanh (
Theo Project-syndicate)