Đồng thời, tỉnh đầu tư hơn 6,1 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển thêm từ 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP; trong đó, có thêm từ 2-5 sản phẩm tiềm năng 5 sao, từ 1-2 sản phẩm đạt 5 sao OCOP Quốc gia, từ 1-2 sản phẩm tiềm năng chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao.
Theo ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhằm đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, tỉnh tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP.
Cụ thể là, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị sản xuất; phát triển liên kết chuỗi, vùng nguyên liệu; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP và đặc thù. Từ đó, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đối với các chủ thể tham gia Chương trình OCOP sẽ tập trung đầu tư, áp dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP. Cùng đó, các đơn vị công bố tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác; xây dựng câu chuyện sản phẩm gắn với với lịch sử, văn hóa bản địa, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Đồng thời, ngành chức năng của tỉnh tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, các sản phẩm OCOP của Ninh Thuận đã không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) chia sẻ, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương và địa phương, công ty đã phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nho, táo, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu từ hai loại quả này. Đến nay, công ty đã có 10 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Các sản phẩm được xếp hạng OCOP đã góp phần khẳng định giá trị sản xuất, tạo động lực cho công ty đẩy mạnh sản xuất, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đầu tháng 7 vừa qua, công ty đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Tp. Hồ Chí Minh) đưa sản phẩm nho xanh đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao chính thức bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử Sendo.vn.
"Thời gian tới, công ty tiếp tục đưa các sản phẩm chế biến từ quả nho, táo lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Qua đó, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của công ty được thuận lợi hơn, góp phần duy trì sản xuất cho người nông dân và giữ được giá trị hàng nông sản trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19", ông Nguyễn Đình Quang chia sẻ thêm.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm khác của các cơ sở tại Ninh Thuận khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cũng đã từng bước khẳng định được thương hiệu, được thị trường đón nhận.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Ninh Thuận có 69 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao như: dưa lưới, táo mật, nho xanh, nước mắm truyền thống Cana 35 độ đạm, 45 độ đạm, nha đam không đường, nha đam hương vải và nha đam hương dứa; có 10 sản phẩm đạt 4 sao như: tỏi, nho, táo, nho NH01 – 152, nho xanh Phan Rang, nho xanh Ba Mọi, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa, nước mắm truyền thống Cana 15 độ đạm, 25 độ đạm; nho tươi và 51 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhiều sản phẩm từ chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương lồng ghép và triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực gắn kết Chương trình OCOP với các chương trình, dự án khác. Từ đó, hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân; góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và Tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.