Trong hơn 20 năm qua, sản lượng lúa gạo của Việt Nam gia tăng liên tục, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu. Mặc dù vậy, sản lượng tăng lại không đi kèm với tăng thu nhập của người nông dân. Chú trọng tăng giá thay vì sản lượng“Cần tính đủ chi phí sản xuất vào trong giá gạo xuất khẩu và có cơ chế cho người nông dân tham gia ấn định giá thu mua lúa”, đây là một trong nhiều đề xuất được Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế (VERP) - thành viên chủ chốt trong Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” - gọi tắt là Liên minh Nông nghiệp, đưa ra nhằm tăng tính cạnh tranh cho ngành lúa gạo và đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sản xuất nhỏ tại Việt Nam.
Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc (huyện Bình Chánh).Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
“Xuất khẩu chú trọng vào tăng giá thay vì sản lượng, mới tạo động lực cho doanh nghiệp và người nông dân chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, lựa chọn giống lúa thuần chủng, chất lượng cao, làm tăng tính cạnh tranh và tạo dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, trong chuỗi sản xuất ngành lúa gạo, mỗi mắt xích chính là một phân đoạn thị trường có cấu trúc riêng. Tuy nhiên, mắt xích quyết định hầu như toàn bộ các vấn đề của ngành lúa gạo hiện nay là thị trường xuất khẩu - đầu ra cuối cùng có ảnh hưởng rất lớn tới định hướng sản phẩm lúa gạo của Việt Nam.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu vì lợi ích của mình có khuynh hướng duy trì chính sách tăng sản lượng tối đa để xuất khẩu. Điều này dẫn tới một loạt hệ quả như sự khai thác đất tối đa phục vụ tăng sản lượng (3 vụ lúa), thiếu chọn lọc về giống và chất lượng… đe dọa sự phát triển bền vững của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long”, ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Để nông dân được hưởng lợi nhiều hơnCác thành viên Liên minh Nông nghiệp cũng nhận định, các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đang đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nhiều hơn, thay vì mục tiêu ban đầu là tăng tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp và hỗ trợ nông dân.
Đa phần người nông dân đang loay hoay trong thế khó - ở lại làm ruộng thì thu nhập không đủ chi tiêu, mà ra khỏi ruộng đất thì không có nhiều cơ hội trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Điều này cũng bộc lộ điểm yếu trong mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay, khi khu vực công nghiệp và dịch vụ không tạo đủ sức cầu về lao động nhằm giúp người nông dân rút khỏi đất đai dễ dàng hơn. Do đó, một khía cạnh khác của việc nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo là cần hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất để tăng năng suất và áp dụng công nghệ.
Bên cạnh những khuyến nghị về giá gạo và nâng cao vị thế của nông dân, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như bãi bỏ thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng gạo tiêu thụ nội địa để tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp phân phối gạo trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu và thương lái. Phát triển các chính sách tài chính vi mô và bảo hiểm cho người nông dân, giúp nông dân bớt phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng đầu vào của vật tư nông nghiệp…
Nhấn mạnh tới việc người nông dân chưa được hưởng lợi ích xứng đáng, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp mới chỉ ký hợp đồng bao tiêu với nông dân cho đủ điều kiện kinh doanh chứ chưa tạo ra được sự liên kết thực sự. Các ý kiến đề xuất, xuất khẩu chú trọng vào tăng giá thay vì sản lượng, mới tạo động lực cho doanh nghiệp và người nông dân chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, lựa chọn giống lúa thuần chủng, chất lượng cao, làm tăng tính cạnh tranh và tạo dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Hoàng Tùng