Tăng lợi nhuận khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Tại Sóc Trăng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

Đây là mô hình sản xuất giúp tăng độ màu mỡ của đất, hạn chế ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất cho nông dân.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn nông dân canh tác lúa theo hướng hữu cơ. 

Tại huyện Long Phú (Sóc Trăng), theo lãnh đạo UBND huyện, huyện có hơn 16.000ha sản xuất lúa. Nhằm giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm và tập quán canh tác lúa tự nhiên, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng phát triển mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Mô hình này, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Hơn 4 vụ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ông Bùi Hữu Tính xã viên Hợp tác xã Tân Hưng Phú ở xã Tân Hưng (huyện Long Phú) phấn khởi chia sẻ, gia đình có 10 ha đất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ được hỗ trợ phân bón hữu cơ, kỹ thuật canh tác giảm sâu bệnh nhờ đó mà chi phí từng vụ giảm từ 20-30%.

Ông Bùi Hữu Tính cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm 2023-2024 vừa rồi, lúa đạt năng suất 7 tấn/ha, giá thu mua 11.000 đồng/kg lúa tươi tại đồng, trừ các khoảng cho phí gia đình lợi nhuận 52 triệu đồng/ha, tăng từ 10-12 triệu đồng so những năm trước. Cũng theo ông Tính, vụ Đông Xuân năm nay 10 ha đất lúa của ông cũng sản xuất theo hướng hữu cơ, bởi lợi nhuận cao, thân thiện môi trường và được doanh nghiệp thu mua đầu ra.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng Phú Hồ Thanh Liêm cho biết, vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, hợp tác xã có 501 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, với hai nhóm giống chính là ST25 và Đài thơm. Từ UBND huyện Long Phú phát động mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, các xã viên đồng thuận cao vì sản xuất thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập. Hiện nay, nông dân rất am hiểu cách canh tác của mô hình vì được tập huấn canh tác, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc lúa...

Chú thích ảnh
Cán bộ nông nghiệp cùng nông dân kiểm tra dịch hại trên diện tích lúa sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. 

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú Lâm Văn Vũ cho biết, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được Huyện ủy, UBND huyện Long Phú triển khai thực hiện từ 2023 đến nay. Theo đánh giá ngành chuyên môn, mô hình có chi phí sản xuất thấp hơn khoảng 4 triệu đồng/ha, năng suất tăng từ 0,2-0,4 tấn/ha, lợi nhuận trung bình từ 4,2 đồng/ha trở lên so với ngoài mô hình. Cũng theo ông Vũ, mô hình chỉ sử dụng phân hữu cơ bón lót vào đầu vụ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và giảm lượng phân bón hóa học giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ được sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, tạo ra sản phẩm an toàn.

Ông Lâm Văn Vũ thông tin thêm, vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 địa phương cũng triển khai sản xuất trên 1.100 ha ở các xã Tân Hưng, Phú Hữu, thị trấn Long Phú… Ngành chuyên môn tiếp tục hướng dẫn nông dân sản áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, sử dụng giống cấp xác nhận. Đồng thời, áp dụng theo quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, quản lý chặt chẽ các công đoạn từ sản xuất đến thu hoạch nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, an toàn.

Còn tại thị xã Ngã Năm, vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, địa phương đã triển khai 1.000 ha sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Theo lãnh đạo UBND thị xã Ngã Năm, mô hình nhằm để nâng cao giá trị sản xuất lúa, xây dựng vùng nguyên liệu tạo điều kiện cho liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm thông tin, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa thơm ST24, ST25 vụ Đông Xuân 2024-2025, với diện tích sản xuất 1.000 ha, dự kiến sản lượng khoảng 6.000 tấn lúa. Mô hình giúp vùng nguyên liệu lúa lớn nhất của tỉnh tăng cường khả năng liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, hướng đến phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã thông tin, năm 2024, ngành tổ chức thực hiện dự án phát triển sản xuất lúa đặc sản với các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng và giá trị, tỉnh phát triển thêm được một số khu vực sản xuất theo hướng hữu cơ với 19.029 ha; trong đó sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên 6.825 ha.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã cũng thông tin, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã kết hợp với các nhóm nông dân áp dụng dần các sản phẩm hữu cơ, vi sinh vào sản xuất trên câu lúa (sản xuất theo hướng hữu cơ) từng bước làm quen dần việc canh tác và tiến tới sản xuất lúa hữu cơ.

Chú thích ảnh
Mô hình sản xuất lúa Đài Thơm, ST 25 theo hướng hữu cơ ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng). 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang triển khai Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu liên kết 4 nhà trong phát triển nền nông nghiệp hữu cơ trên nhiều loại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng. Sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đến năm 2030 giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt hữu cơ có chứng nhận cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Bài và ảnh: Tuấn Phi (TTXVN)
Thái Nguyên có gần 5.500 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ
Thái Nguyên có gần 5.500 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ

Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 7.000 ha chè ứng dụng công nghệ trong sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, bán tự động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN