Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%  

Nông nghiệp xanh là xu hướng toàn cầu, xu hướng tiêu dùng gạo chất lượng cao ngày càng tăng trên thị trường, nhiều nông dân tỉnh Đồng Tháp đã chuyển từ trồng lúa truyền thống sang mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, lúa sạch.

Chú thích ảnh
Thu hoạch vụ lúa Thu Đông năm 2024 tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). 

Việc sản xuất theo mô hình này đã góp phần nâng cao giá trị, hướng tới xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam. Diện tích sản xuất lúa theo định hướng hữu cơ năm 2024 đạt 599 ha.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện nay nông dân tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất mang tính bền vững. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh.

Tỉnh Đồng Tháp có hơn 131.000 hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện nhân rộng mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất”.

Đối với mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nhằm cung cấp sản phẩm gạo chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Do thị trường trong nước và thế giới có sự thay đổi về nhu cầu, từ ăn no chuyển sang ăn ngon và bảo đảm chất lượng nên việc sản xuất lúa theo hướng an toàn, sạch. Việc chuyển từ lúa vô cơ sang lúa hữu cơ là đã có sự thay đổi tư duy của bà con nông dân, để tạo nên hệ sinh thái vì sức khỏe cộng đồng, cũng như nâng cao giá trị của hạt lúa.

Bà con nông dân đã ý thức hơn trong việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bước đầu tiếp cận được thị trường và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Hiện lúa hữu cơ đều được các công ty, doanh nghiệp đặt hàng bao tiêu. Do đó, các hợp tác xã khi làm mô hình này cũng an tâm đầu ra trong sản xuất.

Ở huyện Tháp Mười có hơn 300 ha lúa sản xuất thướng hữu cơ, đa số cây lúa phát triển tốt, giảm lượng thuốc phun xịt, ít sâu bệnh hơn so trà lúa vô cơ.

Theo Ông Nguyễn Văn Dõng, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, gia đình trồng lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 1 ha. Các vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu vừa qua đạt chất lượng cao. Ông Dõng xác định sản xuất lúa bằng phân bón hữu cơ làm đất tươi xốp, đất mềm hơn, giúp máy xới chạy nhẹ hơn; lúa của ông đạt năng suất 7 tấn/ha, chi phí giảm hơn 3,5 - 4 triệu đồng/ha so với sản xuất bón phân vô cơ.

Ông Phan Hoàng Em - Phó Giám đốc Hợp tác xã Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông cho biết: mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc. Mô hình được thực hiện tại Hợp tác xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, với diện tích 10 ha/8 hộ tham gia, được duy trì từ năm 2022 đến nay. Mô hình giúp giảm được phân hóa học tới 40%, giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị của rơm, rạ và lợi nhuận cho nông dân trồng lúa trên đơn vị diện tích.

Ngoài ra, mô hình còn góp phần giảm phát thải phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường và tạo cơ hội việc làm và tăng thêm thu nhập cho nông dân, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Năng suất bình quân của mô hình tăng bình quân từ 10 - 15% so với phương thức sản xuất truyền thống.

Khi áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giúp cây sinh trưởng tốt, cứng rễ, ít sâu bệnh, trổ bông tập trung. Đồng thời, mô hình còn giúp cải thiện môi trường đất, tạo ra tầng đất tơi xốp giúp cây lúa phát triển.

Tại Đồng Tháp, đất canh tác chủ yếu là đất phù sa và đất bãi bồi, việc sử dụng phân bón hữu cơ và các phương pháp canh tác bền vững giúp tăng cường độ màu mỡ của đất, làm giảm xói mòn và cải thiện khả năng giữ nước. Điều này không chỉ bảo vệ tài nguyên đất mà còn giúp giảm thiểu sự ô nhiễm nguồn nước.

Mặt khác, nền nông nghiệp hữu cơ khuyến khích sự phát triển của các loài sinh vật có lợi, thúc đẩy sự cân bằng sinh thái, bảo vệ các loài thực vật và động vật bản địa; giúp duy trì hệ sinh thái nông nghiệp bền vững và ổn định hơn, mang lại lợi ích về môi trường và sức khỏe, tạo ra cơ hội kinh tế mới cho nông dân Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho hay, nông dân sản xuất lúa ngày càng quan tâm hơn về quy trình sản xuất theo hướng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm; từng bước hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn và định hướng chuyển đổi sản xuất hữu cơ, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy gây ô nhiễm về hóa học ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn của sản phẩm, môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đưa diện tích sản xuất lúa hữu cơ đến năm 2025 đạt 605 ha; giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Quảng Trị: Tập trung mở rộng sản xuất lúa hữu cơ lên 1.000 ha
Quảng Trị: Tập trung mở rộng sản xuất lúa hữu cơ lên 1.000 ha

Tỉnh Quảng Trị đang tập trung mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ để tăng thu nhập cho người nông dân và góp phần bảo vệ môi trường. Năm 2023, lần đầu tiên gạo hữu cơ do nông dân Quảng Trị sản xuất đã được xuất khẩu sang châu Âu. Vụ Đông Xuân 2023 – 2024 tỉnh sản xuất trên 346 ha lúa hữu cơ và phấn đấu đạt 1.000 ha vào năm 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN