Việt Nam đang tiến hành cải cách mạnh mẽ để giảm bớt chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN). Trong đó, việc tạo môi môi trường kinh doanh lành mạnh sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển.
Phá thế độc quyền
Năm 1993, Việt Nam xuất hiện nhà mạng di động đầu tiên là Mobifone. Tại thời điểm đó, giá cước di động ở mức 0,15 USD (hơn 3.000 đồng)/phút. Sau đó 3 năm, Vinaphone xuất hiện, nhưng hai công ty này đều thuộc VNPT (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông) nên giá cước không chuyển biến mạnh.
Khi nhà mạng Quân đội (Viettel) gia nhập thị trường vào năm 2003, thị trường viễn thông đã có sự thay đổi mạnh mẽ về mặt cấu trúc, điều dễ nhận thấy nhất là giá cước đã giảm tới 1/3, chỉ còn 0,065 USD (hơn 1.000 đồng)/phút, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, thị trường thông tin di động cạnh tranh quyết liệt hơn.
Thị phần thị trường viễn thông Việt Nam. |
Như vậy, có thể thấy rằng, khi thị trường viễn thông không còn độc quyền, người tiêu dùng đã được hưởng lợi. Việc buộc phải cạnh tranh cũng khiến các DN phải tự cơ cấu lại để tồn tại.
“Ví dụ từ thị trường viễn thông di động ở Việt Nam cho thấy, cạnh tranh là yếu tố kích thích sản xuất kinh doanh, giúp kinh tế tăng trưởng nhanh hơn. Do vậy, vai trò của chính sách cạnh tranh trong việc tái cấu trúc nền kinh tế là rất quan trọng”, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.
Ngày 19/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.
Để giúp đỡ Việt Nam, Chính phủ Ôxtrâylia sẽ hỗ trợ tài chính trị giá 3,1 triệu đô la Úc để Việt Nam thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao tính minh bạch trong các quy định kinh doanh và giảm tham nhũng... |
Cũng theo ông Tuấn, năm 2013, khi Việt Nam tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ các DN nhà nước, Vinaphone và Mobifone lại mong muốn sáp nhập. Tuy nhiên, Cục đã làm việc với các đơn vị liên quan và cho rằng không nên sáp nhập vì sẽ làm giảm sự cạnh tranh của thị trường thông tin. Tháng 4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT với phương án tách Mobifone ra hoạt động độc lập, khiến thị trường trở nên cạnh tranh hơn.
Không được như thị trường viễn thông, thị trường lúa gạo đang bị một số DN nhà nước lớn thâu tóm. Từng nhiều năm ở Việt Nam, theo quan sát của ông Raymond Mallon, Chuyên gia tư vấn cao cấp của Cơ quan phát triển quốc tế Ôxtrâylia (Australia Aid): “Thị trường xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đang bị một số DN nhà nước lũng đoạn. Các DN nhà nước sử dụng các quyền lực của mình, khiến sự cạnh tranh trên thị trường bị méo mó, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, tăng trưởng”.
Cùng quan điểm này, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp cho biết: “Hai công ty Vinafood 1 và Vinafood 2 đang chiếm thị phần xuất khẩu lúa gạo lớn của Việt Nam nhưng họ lại không liên hệ với nông dân trong việc thu mua gạo mà mua qua thương lái. Chính vì vậy, giá lúa, gạo xuất khẩu của Việt Nam bị nâng lên một mức khiến sức cạnh tranh của mặt hàng này bị giảm sút”.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự phân biệt đối xử giữa hai loại hình DN nhà nước và DN tư nhân đang làm môi trường cạnh tranh trở nên kém lành mạnh, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
Không cạnh tranh thì không tăng trưởng
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cạnh tranh sẽ giúp người tiêu dùng được hưởng dịch vụ tốt hơn, giá rẻ hơn. Đồng thời, đòi hỏi DN phải liên tục tái cơ cấu, tinh giản bộ máy, các rào cản cũng được gỡ bỏ.
Ông Mike Woods, Phó Chủ tịch Ủy ban Năng suất Ôxtrâylia cho biết: “Trong giai đoạn những năm 1980 - 1990, Ôxtrâylia cũng ở trong tình trạng như Việt Nam hiện nay. Một số công ty nhà nước nắm thế độc quyền ở nhiều lĩnh vực, khiến nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả, chi phí cao, kìm hãm sự phát triển”.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Mike Woods: “Chúng tôi đã mở rộng các điều kiện cho các DN tư nhân, lập ra văn phòng trung lập để bảo đảm quyền lợi cho họ. Nhờ đó, năng suất chung của nền kinh tế đã được cải thiện. Tới năm 2004 - 2005 chúng tôi tiếp tục cải cách dịch vụ công, vận tải, y tế... để tạo ra các chính sách phù hợp hơn cho các DN này”.
Cùng quan điểm trên, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược nông nghiệp cho rằng: “Cần tái cơ cấu lại hai công ty Vinafood 1 và 2. Hai công ty này phải thực sự gắn bó với người dân, quan trọng hơn nữa là tạo điều kiện cho các công ty khác gia nhập thị trường để nâng cao tính cạnh tranh về giá cả, chất lượng của gạo Việt Nam”.
Để giải quyết bài toán này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Viện đang cùng các bộ, ngành soạn thảo kế hoạch 5 năm (2015 - 2020) về cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, tiếp tục đơn giản hóa, giảm bớt các rào cản gia nhập thị trường cho các DN. Cải thiện bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, cổ đông thiểu số”.
“Việc triển khai luật DN và luật đầu tư, rà soát danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh, hợp lý hóa các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, minh bạch danh mục này là nội dung cốt lõi của cải cách thể chế lần này. Việc này sẽ giảm rủi ro cho DN trong hoạt động kinh doanh, tạo ra môi trường bình đẳng cho mọi thành phần”, ông Cung nói. Đồng thời, cũng phải điểm mặt, chỉ tên từng DN nhà nước được hưởng ưu đãi nhưng lại làm méo mó môi trường kinh doanh; loại bỏ DN nhà nước trục lợi, tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng.
Hữu Vinh