Trong nhiều năm qua, hoạt động của các nhà máy xi măng trên địa bàn đóng góp đáng kể vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương, tạo ra thế mạnh nhất định trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh. Song gần đây, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, xi măng có xuất xứ từ Thái Nguyên gặp không ít khó khăn, có thời điểm doanh nghiệp phải giảm công suất của nhà máy sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp xi măng trên địa bàn Thái Nguyên đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để tạo thế mạnh trong sản xuất cũng như tiêu thụ mặt hàng này.
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn hiện nay, để tồn tại, phát triển, tăng trưởng ổn định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động các doanh nghiệp sản xuất xi măng tại Thái Nguyên buộc phải thực hiện triệt để việc tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững thị trường truyền thống và từng bước mở rộng thị trường mới.
Áp dụng triệt sáng kiến cải tiến kỹ thuật
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 5 doanh nghiệp sản xuất xi măng nhưng chỉ có 3 nhà máy xi măng của Công ty TNHH một thành viên xi măng Quang Sơn thuộc Tổng công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam tại xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, Công ty cổ phần xi măng La Hiên VVMI - Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV tại xã La Hiên huyện Võ Nhai và Công ty cổ phần xi măng Quán Triều VVMI (cùng thuộc Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV) tại Cụm công nghiệp An Khánh, xã An Khánh, huyện Đại Từ sử dụng công nghệ lò quay đang hoạt động.
Hai doanh nghiệp còn lại gồm: Công ty cổ phần xi măng Cao Ngạn và Nhà máy xi măng Lưu Xá thuộc Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Công nghiệp Thái Nguyên đã tạm dừng hoạt động nhà máy sản xuất xi măng bằng công nghệ lò đứng nhiều năm nay và chỉ còn duy trì hệ thống nghiền clinker. Đồng thời, chuyển sang kinh doanh các sản phẩm gia tăng từ xi măng.
Có mặt tại Công ty cổ phần xi măng La Hiên VVMI ngay sau những ngày phải điều chỉnh sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19, không khí lao động, sản xuất đã trở lại bình thường, các dây chuyền lò nung, nghiền clinker đã hoạt động đạt 100% công suất.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty chia sẻ, hiện nay, các sản phẩm của xi măng La Hiên đang cạnh tranh quyết liệt với nhiều các thương hiệu xi măng khác. Do vậy, thị phần tiêu thụ sản phẩm xi măng La Hiên đang bị xâm lấn mạnh bởi các doanh nghiệp cạnh tranh. Để tái cơ cấu sản xuất, cùng với việc sắp xếp lại lao động theo chỉ đạo của Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV, Công ty tổ chức tốt mạng lưới tiếp thị, đại lý tiêu thụ, phân công chi tiết các khu vực quản lý, thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường.
Đặc biệt, để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, Công ty đã tập trung cải tiến thiết bị để nâng cao năng suất một số thiết bị có suất tiêu hao điện năng lớn như: lắp đặt thêm một máy đập đá cấp 2 cho dây chuyền 2 với mục tiêu giảm cỡ hạt đá gia công, nâng cao được năng suất máy nghiền liệu sống dây chuyền 2 - 130 tấn/giờ lên 155 tấn/giờ tiết kiệm chi phí điện năng trên 2,5 kW/tấn bột liệu sống.
Trong công đoạn nghiền xi măng, công ty lắp đặt thêm một máy đập clinker cấp 2 cho máy nghiền xi măng DC1 giúp giảm cỡ hạt clinker, nâng cao được năng suất máy nghiền xi măng từ 55 tấn/giờ lên 75 tấn/giờ tiết kiệm chi phí điện năng 10kW/tấn xi măng bột. Đồng thời, áp dụng sáng kiến thay đổi lại tỷ lệ phối bi trong máy nghiền xi măng dây chuyền 2 tăng cường bổ sung các loại bi có đường kính nhỏ D17 - D25 giúp tăng năng suất máy nghiền xi măng P3 từ 130 tấn/giờ lên 155 tấn/giờ giảm trên 6 kW/tấn sản phẩm. Các công đoạn trên sau khi tăng được năng suất đã tạo cho các đơn vị vận hành có điều kiện tận dụng tối đa thời gian vận hành giờ thấp điểm và giờ bình thường, không vận hành giờ cao điểm, tiết kiệm đáng kể chi phí điện năng giảm giá thành sản xuất...
Bên cạnh đó, Công ty còn thực hiện cải tiến thiết bị công đoạn nung clinker mục tiêu nhằm nâng cao mác clinker, thay mới quạt Roots cân than lò phân giải DC2; thay mới quạt gió đầu ghi lạnh DC2 để nâng cao công suất quạt khí thải đuôi lò từ 200.000 m3/giờ lên 250.000 m3/giờ, tăng cường sử dụng đá thải từ Mỏ than Khánh Hòa từ 12% lên trên 15% trong phối liệu sống, tiết giảm định mức tiêu hao than từ 0,175 về 0,155 kg/kg sản phẩm...
Cũng nhờ việc tái cơ cấu lại sản xuất, áp dụng triệt để các sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã giúp cho thương hiệu "Xi măng La Hiên" đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Gần 5 tháng qua, sản lượng tiêu thụ xi măng của Công ty ước đạt trên 305.000 tấn, tăng hơn 5.500 tấn so với cùng kỳ, đảm bảo việc làm ổn định cho gần 600 lao động với tiền lương bình quân khoảng 9,6 triệu đồng/người/tháng.
Với những kết quả sản xuất kinh doanh khả quan trong các tháng đầu năm, mục tiêu sản xuất, tiêu thụ hơn 730.000 tấn xi măng các loại, đạt tổng doanh thu trên 640 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 36,5 tỷ đồng của năm 2020 của Công ty cổ phần xi măng La Hiên VVMI là hoàn toàn khả thi.
Đảm bảo yếu tố cạnh tranh
Cùng nằm trong hệ thống các nhà máy sản xuất xi măng của Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV, Công ty cổ phần xi măng Quán Triều VVMI cũng gặp không ít khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt trên thị trường xi măng hiện nay bởi thương hiệu xi măng của doanh nghiệp còn khá mới do Công ty mới chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011. Để đảm bảo được yếu tố cạnh tranh, Công ty đã thực hiện triệt để việc duy trì sự hoạt động ổn định của thiết bị, tiết kiệm vật tư, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ khách hàng với mức giá tốt nhất.
Cụ thể hóa các giải pháp này, hàng loạt các biện pháp kỹ thuật đã được Công ty áp dụng như: đảm bảo cho các thiết bị của công đoạn đập đá, đập sét, nghiền nguyên liệu, nghiền than, nghiền xi măng hoạt động ổn định, vượt công suất thiết kế; định mức tiêu hao điện năng các công đoạn cơ bản thấp hơn kế hoạch Tổng công ty giao; đưa vào sử dụng các công trình tự động hóa gồm; trạm quan trắc tự động, hệ thống bơm khí nén, phần mềm quản lý thiết bị Bravo.
Đặc biệt, trong quản lý nguyên liệu đầu vào, Công ty thực hiện việc lựa chọn vùng nguyên liệu có thành phần hóa học tương đồng giá thấp thay thế cho những nguyên liệu có giá cao nhằm giảm chi phí về giá nguyên liệu đưa vào sản xuất, sử dụng đất sét thay thế 100% đá caosilic, sử dụng tro đáy Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn thay thế đất sét cao nhôm, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao Ô man..
Ông Nguyễn Sóng Gió, Phó giám đốc Công ty cho biết, từ những giải pháp đồng bộ trong tái cơ cấu sản xuất đã giúp cho sản lượng tiêu thụ của Công ty năm qua đạt hức hơn 820.000 tấn, cao nhất từ khi đi vào vận hành (năm 2011) đến nay, thương hiệu sản phẩm "Xi măng Vinacomin Quán Triều" đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, hệ thống tiêu thụ được phát triển rộng ở các tỉnh: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và từng bước được mở rộng tại Hải Dương, Phú Thọ.
Để đạt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 760.000 tấn xi măng, đạt tổng doanh thu trên 600 tỷ đồng, đảm bảo việc làm cho hơn 350 lao động trong năm 2020, Công ty tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất thiết bị, triển khai giải pháp công nghệ nâng cao mác clinker và hàng lọt các biện pháp hạ giá thành sản phẩm như: sử dụng than cám 7B KH kết hợp với than cám 4A NH với tỷ lệ 50:50, sử dụng tro bay sau tuyển, điều hành các công đoạn nghiền huy động hết công suất giờ thấp điểm, hạn chế tối đa việc chạy máy vào giờ cao điểm...
Không như các doanh nghiệp lớn trực thuộc Tổng công ty Nhà nước lớn như xi măng Quán Triều hay xi măng La Hiên, Công ty cổ phần xi măng Cao Ngạn vốn là doanh nghiệp địa phương có bề dày truyền thống về sản xuất xi măng nhưng với quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ cũ, sức cạnh tranh thấp hơn nên hiện nay Công ty cổ phần xi măng Cao Ngạn đã không còn sử dụng lò nung xi măng công nghệ lò đứng mà chỉ còn duy trì hệ thống nghiền clinker, đáp ứng yêu cầu sản xuất chỉ khoảng 40.000 tấn xi măng/năm. Xi măng của Công ty một phần phục vụ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh còn phần lớn để sử dụng cho việc sản xuất các sản phẩm gia tăng của xi măng như: gạch đô thị tozero, gạch block...
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty cho rằng, việc chỉ duy trì sản xuất xi măng ở mức thấp giúp Công ty giảm áp lực cạnh tranh trên thị trường đòi hỏi có quy mô vốn rất lớn cũng như sự đầu tư về công nghệ vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Hiện tỷ trọng sản xuất xi măng của doanh nghiệp chỉ còn khoảng 30% trong cơ cấu ngành nghề và doanh thu.
Để phát triển doanh nghiệp, Công ty chuyển hướng mạnh sang các sản phẩm gạch đô thị, kinh doanh xăng dầu và dịch vụ nhà hàng… Nhờ vậy, dù là doanh nghiệp nhỏ nhưng ở địa phương nhưng Công ty vẫn giữ được thương hiệu "Xi măng Cao Ngạn", đảm bảo việc làm cho hơn 130 lao động mức thu nhập trên 6,5 triệu đồng/người/tháng...
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, ước tính năm 2020 nhu cầu tiêu thụ xi măng của cả nước khoảng từ 101 - 103 triệu tấn; trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng từ 69 - 70 triệu tấn, còn lại là xuất khẩu. Do đó, các cơ hội tăng sản lượng tiêu thụ, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn Thái Nguyên vẫn còn nhiều, nhất là lợi thế của việc chủ động nguồn nguyên liệu ngay tại địa phương.
Điều quan trọng đó là các doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp thích hợp, đầu tư mạnh cho việc đổi mới công nghệ, cơ cấu lại sản xuất theo hướng giảm giá thành, nâng cao chất lượng, nghiên cứu các sản phẩm gia tăng từ xi măng, hợp tác trong vận chuyển, mở rộng thị trường đến các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bài cuối: Coi trọng yếu tố bảo vệ môi trường