Thâm canh cây ăn quả VietGAP hiệu quả cao hơn 100 triệu đồng/ha

Được sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công mô hình "Thâm canh cây ăn quả VietGAP" cho năng suất, hiệu quả kinh tế rõ rệt. Từ đó, tạo ra các sản phẩm nông sản có giá trị đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chú thích ảnh
Khu canh tác xen canh trồng chanh, bưởi, táo đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Công ty TNHH Đầu tư và phát triển TTM Farm (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo bà Trần Thị Huệ, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp đang là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó hình thành nên những vùng cây ăn quả, trở thành đặc sản riêng có của mảnh đất Hưng Yên như nhãn lồng, chuối tiêu hồng, bưởi, cam, ổi...

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình "Thâm canh cây ăn quả VietGAP", trên diện tích 65 ha với 318 hộ tham gia ở các huyện Kim Động, Văn Giang, Văn Lâm và Khoái Châu.

Để mô hình thực hiện có hiệu quả, Trung tâm tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật xuống tận vườn để hướng dẫn người dân làm theo đúng quy trình VietGAP…

Gia đình ông Nguyễn Đức Luyện, ở xã Khoái Châu là một trong những hộ tham mô hình "Thâm canh cây ăn quả VietGAP".  Ông Luyện cho biết, cây ăn quả được thực hiện bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng, mẫu mã quả đẹp hơn so với ngoài mô hình, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Năm nay, do ảnh hưởng của mưa bão nên năng suất không được như các năm nhưng bù lại cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có mẫu mã đẹp bắt mắt, quả to đều. Đến nay, diện tích cam đang cho thu hoạch, còn bưởi dự kiến gần Tết Nguyên đán sẽ được thu hái. 

Theo ông Luyện, việc áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn từ khâu trồng, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm. Để cây ăn quả đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, người trồng cần lưu ý đến kỹ thuật bón phân, chủ yếu là bón phân hữu cơ, các loại phân chuồng hoai mục, ngô, đỗ tương ngâm ủ để cây có tỷ lệ ra hoa và đậu quả tốt.

Đáng chú ý, trong quá trình chăm sóc cây, cần chú ý đến bệnh nấm, nhện đỏ, sâu đục thân. Để phòng, trừ sâu bệnh cho cây, người trồng chỉ sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Do đó, cây ăn quả được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có mẫu mã đẹp, bắt mắt và đều quả. Thời gian tới, gia đình ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả để trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chú thích ảnh
Khu thành phẩm của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển TTM Farm (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo bà Trần Thị Huệ, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người trồng cây ăn quả. Hiện nay, người nông dân đã và đang sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, bán những mặt hàng thị trường cần chứ không phải bán những thứ mình có. Từ đó, giúp nâng cao giá trị của sản phẩm; đồng thời nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng và cả người trồng. Ngoài ra, việc thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng phân vô cơ, tạo điều kiện khôi phục độ màu mỡ của môi trường đất. Đáng chú ý, hiệu quả kinh tế dự kiến sẽ cao hơn khoảng 100 triệu đồng/ha, so với ngoài mô hình.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng đánh giá, trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần tạo ra các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tạo thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả của tỉnh, nâng cao giá trị cho người sản xuất, bảo vệ sức khỏe, từng bước thay đổi tư duy, trình độ, cách thức tổ chức sản xuất của nông dân, bảo đảm ổn định đầu ra của sản phẩm. Ngoài ra, thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm sử dụng phân vô cơ, tạo điều kiện khôi phục độ màu mỡ của đất.

Hiện trên địa bàn tỉnh hiện có trên 4.000 ha diện tích cây có múi, với sản lượng trên 60.000 tấn, chủ yếu là cam Hưng Yên, Cam V2, quýt đường Canh, bưởi Phú Diễn, bưởi da xanh, bưởi Hoàng Trạch và được trồng nhiều tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, Ân Thi, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên. Đến nay, diện tích cây có múi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hơn 1.000 ha, cho sản lượng khoảng hơn 20.000 tấn quả tươi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Chú thích ảnh
Nhãn lồng Hưng Yên trồng theo mô hình VietGAP có năng suất và chất lượng cao. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Nhằm phát triển cây ăn quả, hoa cây cảnh theo hướng chuyên canh, tỉnh Hưng Yên cũng đã phê duyệt Đề án "Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025". 

Theo đó, tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ mở rộng diện cây ăn quả toàn tỉnh lên 17.500 ha; trong đó, ổn định diện tích nhãn là 5.000 ha; bưởi, cam mỗi loại ổn định từ 2.000 - 2.500 ha. Phấn đấu 100% diện tích của vùng sản xuất tập trung từ 5 ha trở lên; đồng thời, thực hiện theo chuỗi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu và được sản xuất, chứng nhận đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Hưng Yên tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế; trong đó, trọng tâm là tăng cường xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; phát huy hiệu quả Đề án ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm nông nghiệp Hưng Yên với người tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ, vừa tạo sự ổn định trong sản xuất, tiêu thụ vừa đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Đỗ Mai (TTXVN)
Trà Vinh phấn đấu có khoảng 15.000 ha thuỷ sản sạch theo hướng thâm canh 
Trà Vinh phấn đấu có khoảng 15.000 ha thuỷ sản sạch theo hướng thâm canh 

Tỉnh Trà Vinh phấn đấu đến năm 2025, tại các vùng ven biển của tỉnh có khoảng 15.000 ha nuôi thuỷ sản thâm canh theo hướng sạch, có chỉ dẫn địa lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN