Cùng với sự hỗ trợ thiết thực của tổ chức Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, thanh niên với nhiệt huyết và mong ước cống hiến cho quê hương đã trở thành đội ngũ đông đảo, tiên phong trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo.
Sáng tạo - tài nguyên mới trong quá trình khởi nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020, một hoạt động của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Vietnam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Tôi tin rằng mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ thuần túy là con đường kiếm tiền, tạo dựng sự nghiệp mà còn là một triết lý sống, khẳng định mình, thử thách bản thân, kiểm tra giới hạn tiềm tàng của chúng ta”.
“Khởi nghiệp sáng tạo” là một từ khóa với nội hàm sâu sắc, trong đó xem sự sáng tạo là một tài nguyên mới. Nhân loại không còn nhiều tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng tài nguyên vô tận chính là sự sáng tạo của hàng triệu người dân, là tiềm năng trong mỗi con người Việt Nam cả ở trong nước và nước ngoài. Con người là trung tâm của sự sáng tạo. Sáng tạo phải từ con người và vì con người.
Thế hệ trẻ ngày nay đang kế thừa, bộc lộ rất rõ những phẩm chất cần mẫn, thông minh, sáng tạo, cùng với lợi thế về khả năng thích ứng nhanh trước sự năng động trong môi trường kinh doanh, tiến bộ công nghệ. Các bạn trẻ đã nhìn nhận được trách nhiệm của mình trước những thách thức trong việc tạo lập lợi thế cạnh tranh mới mà đất nước đang còn nhiều hạn chế như chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, năng lực đổi mới... Những phẩm chất này của thanh niên Việt Nam chính là thế mạnh, tiềm năng và nguồn lực quan trọng góp phần đưa đất nước tiến bộ, tự tin vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Thủ tướng tin nếu có đủ những “dưỡng chất” tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước. “Chúng ta hãy cùng ươm mầm ước mơ và hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp sáng tạo không giới hạn của mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, từ sau Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018, nhiều chính sách đã được các bộ, ngành tiếp thu, điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình của Chính phủ và các bộ, ngành thông qua các đề án quốc gia nhằm hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được triển khai.
Cùng với đó, Trung ương Đoàn ban hành Đề án “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 - 2022” nhằm kiến tạo môi trường, động lực mạnh mẽ để các lực lượng thanh niên Việt Nam khác nhau ra sức sáng tạo khởi nghiệp, chung tay đưa Việt Nam thật sự trở thành quốc gia khởi nghiệp. Các địa phương đã tích cực ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình hành động nhằm hỗ trợ khởi nghiệp nói chung và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nói riêng.
Năm 2019 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam khi chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các thương vụ đầu tư mạo hiểm. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các không gian làm việc chung, vườn ươm, chương trình tăng tốc và các cuộc thi dành riêng cho khởi nghiệp sáng tạo, cùng với sự ưu tiên hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong chương trình nghị sự của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam đã và đang nhanh chóng trở thành một điểm sáng trong bức tranh khởi nghiệp ở Đông Nam Á. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự lan tỏa rộng rãi tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, kích thích quyết tâm hành động của các chủ thể khởi sự kinh doanh trên nền tảng công nghệ trong cả nước.
Dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song trong năm 2020, cùng với Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp, các hoạt động đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiếp tục được các cấp bộ Đoàn quan tâm triển khai, như: cung cấp thông tin thị trường, kiến thức, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của thanh niên tiếp cận với các nguồn hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua thời kỳ dịch bệnh; kết nối sản phẩm đổi mới sáng tạo của startup để góp phần giải quyết các vấn đề của đất nước; tập huấn, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp.
Trung ương Đoàn đã triển khai cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn”, thu hút 346 dự án từ 56 tỉnh, thành trên cả nước tham gia; tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2020; trao Giải thưởng “Lương Định Của” lần thứ XV... Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Hành trình Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 tại 9 tỉnh, thành phố; phối hợp tổ chức hội nghị “Giải pháp nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam triển khai chương trình “Nghìn việc làm” hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho sinh viên; tổ chức chương trình Kỹ năng quản lý tài chính thường niên lần thứ 10. Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 408 cuộc thi về sáng tạo khởi nghiệp với sự tham gia của 90.906 thanh niên; có 1.318 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên được các cấp bộ Đoàn, Hội hỗ trợ.
Nhiều tỉnh, thành Đoàn đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động cho thanh niên; tổ chức hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm online… Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho gần 2,58 triệu lượt thanh thiếu niên, giới thiệu việc làm cho 655.000 lượt thanh niên. Hoạt động hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho thanh niên địa phương tiếp tục được quan tâm.
Trong năm 2020, dư nợ ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội của Đoàn Thanh niên đạt trên 31.257 tỷ đồng, tăng trên 3.223 tỷ đồng so với cuối năm 2019, đã cho 901.578 hộ gia đình chính sách và thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm qua Trung ương Đoàn với hơn 75 tỷ đồng đã giải ngân cho 923 dự án, giải quyết việc làm cho 2.369 thanh niên.
Khởi tạo môi trường, hỗ trợ thanh niên tìm kiếm cơ hội
Khẳng định thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay có rất nhiều cơ hội và cả những thách thức trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho rằng, các cơ hội có thể kể đến là môi trường cởi mở của Chính phủ thông qua rất nhiều hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp; sự chuyển mình nhanh chóng của các trường đại học trong việc thúc đẩy nghiên cứu, nhờ đó tạo ra nguồn lực về mặt phát kiến mà các thế hệ thanh niên có thể nhanh chóng chuyển giao trở thành những ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.
Những lợi thế từ cộng đồng dân số trẻ Việt Nam, đặc biệt là tính dễ thích nghi, hay sử dụng, ưa khám phá sự mới mẻ cũng tạo nên sự thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo trong thanh niên và nói riêng và cả xã hội Việt Nam nói chung. “Tuy nhiên, giới trẻ Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp nếu như không có sự tập huấn, đào tạo, huấn luyện, không có môi trường ươm tạo kịp thời, đầy đủ. Như vậy, chúng ta phải đặt ra những giải pháp cho nguy cơ lãng phí”, Tiến sĩ Trần Xuân Bách nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thanh niên khởi nghiệp còn có thể gặp những thách thức như sự hạn chế trong góc độ phát kiến, tính ổn định về mặt cung cấp dịch vụ, tiếp cận với những nguồn lực dồi dào; đặc biệt là cần rèn luyện để hình thành những thói quen, lề lối làm việc ở môi trường công nghệ cao - môi trường đòi hỏi tính sáng tạo, hiệu quả được đặt lên trên hết và có tính đa quốc gia.
“Tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn này, nhìn chung người trẻ Việt đều có khát khao vươn lên. Đây là điều rất căn bản để chúng ta có thể xây dựng chương trình hỗ trợ về môi trường ươm tạo, đặc biệt là làm thế nào để thế hệ trẻ Việt Nam phải là lực lượng tiên phong bắt kịp với quá trình chuyển đổi số sâu rộng. Họ phải là người đi đầu tiếp thu tri thức, thành thạo kỹ năng và cũng là những lực lượng phát kiến những đổi mới trong môi trường chuyển đổi số. Chỉ thông qua họ mới có thể kỳ vọng quy trình chuyển đổi số có thể thành công, tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội và phát triển”, Tiến sĩ Trần Xuân Bách chia sẻ.
Về giải pháp nhằm hỗ trợ, tận dụng sự sáng tạo của người trẻ trong hoạt động khởi nghiệp hiện nay, Tiến sĩ Trần Xuân Bách cho rằng, đây là một quá trình liên tục tiếp nối nhau, đòi hỏi sự đầu tư cả hai phía: Phần gốc và phần ngọn: “Đối với phần gốc, đó là việc chúng ta xây dựng giá trị con người thông qua giáo dục, đổi mới giáo dục đào tạo, huấn luyện. Đó là thể chế, cơ chế tạo ra môi trường mà người trẻ khi được ươm tạo sẽ có điều kiện phát triển nhanh và tốt nhất. Phần ngọn, phần phía trên chính là những điều kiện mà người trẻ cần được tiếp cận, như đưa vào các chương trình đào tạo để phát huy được năng lực sẵn có của họ, tính khám phá của họ, đặc biệt là điều kiện để thử nghiệm với sự tham gia của nhiều các đối tác trong nước, quốc tế, những tập đoàn lớn... Đây là những nơi khởi tạo môi trường giúp người trẻ được thử nghiệm ở những quy mô nhỏ và dần dần thông qua cơ chế có sẵn, họ tiếp cận được những thị trường lớn hơn”.
Với chủ đề năm: “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2021 sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách về khởi nghiệp, lập nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp khởi nghiệp; thúc đẩy, tham gia các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ, chuyển đổi số, nhất là khởi nghiệp sáng tạo thích ứng với điều kiện dịch COVID-19 và trạng thái bình thường mới; tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên về khởi nghiệp, lập nghiệp; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ Đoàn làm công tác quản lý hỗ trợ vốn vay và cán bộ Đoàn tham gia các tổ tiết kiệm vay vốn; tiếp tục triển khai các hoạt động tham vấn, kiến nghị chính sách khởi nghiệp đối với thanh niên; rà soát, điều chỉnh quản lý và vận hành Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.
Cùng với việc tổng kết Đề án “Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2021”, Trung ương Đoàn sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và các hoạt động thực tế khác như Cuộc thi “Starup Hunt 2021”; tổ chức đối thoại và các hành trình “Thanh niên khởi nghiệp”; thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng; tiếp tục triển khai Đề án Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên giai đoạn 2018 - 2022 gắn với thực hiện các chương trình, đề án về giáo dục nghề nghiệp, việc làm giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ và các địa phương...
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn tiếp tục hỗ trợ xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, lập nghiệp trẻ hoặc hỗ trợ cộng đồng thanh niên khởi nghiệp; tạo điều kiện xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm, nhất là tại các Làng Thanh niên lập nghiệp và các đơn vị Thanh niên xung phong trên cả nước; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp do thanh niên làm chủ phục hồi hậu COVID-19; hỗ trợ thanh niên công nhân mất việc trở về địa phương do dịch COVID-19...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: “Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Các bạn không chỉ là tiềm năng của tương lai, là nguồn lực và tài nguyên hiện tại, mà sẽ là chủ nhân của đất nước. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thuận lợi nhất. Nhưng khởi nghiệp có thành công được hay không phụ thuộc vào chính bản thân các bạn”. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam trong tương lai, Việt Nam có hiện thực hóa được khát vọng hùng cường vào năm 2045 hay không là câu hỏi mà thế hệ trẻ hôm nay sẽ phải trả lời bằng hành động, bằng nhiệt huyết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để góp phần thể hiện lòng yêu nước, làm cho quốc phú, dân cường, từng bước hiện thực hóa khát vọng lớn hơn của toàn dân tộc.