Nhà máy xử lý - tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư. Dự kiến, công trình đưa vào sử dụng sau 24 tháng xây dựng và có thời gian khai thác, vận hành đến tháng 6/2057. Công suất thiết kế của nhà máy đạt 500 tấn/ngày, về lâu dài có thể nâng công suất theo yêu cầu tiếp nhận nguồn rác thải của thành phố.
Ông Châu Phước Minh, đại diện chủ đầu tư cho biết nhà máy xử lý - tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi áp dụng công nghệ chuyển hóa rác thành điện năng với hiệu suất cao, không phát tán mùi hôi, giảm thiểu phát thải ô nhiễm.
Nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại tận dụng rác hữu cơ để sản xuất phân hữu cơ chất lượng cao, tận dụng tro xỉ để sản xuất gạch không nung, tận dụng nước rỉ rác để phát điện, khí thải từ nhà máy đạt tiêu chuẩn châu Âu (EU 2000) với hệ thống quan trắc online 24/24h.
Nhà máy được thiết kế và xây dựng theo hướng công viên cảnh quan có bố trí lối đi để người dân địa phương tham quan, kiểm tra hoạt động của nhà máy.
Đánh giá về dự án Nhà máy xử lý - tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi, ông Asko Ojaniemi, chuyên gia xử lý chất thải đến từ Phần Lan cho biết: Đây là nhà máy được xây dựng theo mô hình “Làng kinh tế tuần hoàn” của châu Âu với mục tiêu hướng đến chất thải bằng 0.
Các tổ chức môi trường của Phần Lan sẽ hỗ trợ về tư vấn, kỹ thuật để nhà máy trở thành một mô hình thành công trong việc thực hiện biến chất thải thành nguồn nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất ra những sản phẩm phục vụ đời sống.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố thải ra hơn 9.000 tấn chất thải rắn mỗi ngày, trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, 14,7% tái chế nhựa và 9,3% đốt không phát điện.
Thành phố đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến, nhất là chuyển hóa rác thành điện năng, hướng đến mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ rác chôn lấp giảm xuống còn 50%, đến năm 2050 giảm còn 20%.
Với mục tiêu đó, việc xây dựng Nhà máy xử lý – tái chế chất thải rắn Tasco Củ Chi đáp ứng đúng nhu cầu của thành phố với việc áp dụng các công nghệ cao biến rác thải thành những sản phẩm có ích phục vụ đời sống.