Năm 2012, thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP của Chính phủ, thành phố Thanh Hóa được mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập thêm 19 xã, thị trấn lân cận thuộc các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Đông Sơn và Quảng Xương. Việc tiếp nhận và triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đối với 17 xã (nay là 14 xã sau sáp nhập) đã đặt ra nhiều thời cơ cũng như thách thức mới. Qua rà soát, bình quân tiêu chí các xã xây dựng nông thôn mới của thành phố Thanh Hóa chỉ đạt 6,87 tiêu chí/xã.
Từ năm 2013 đến nay, thành phố Thanh Hóa đã huy động được 4.073 tỷ đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách nhân dân tham gia đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, chỉnh trang nhà ở, vườn tạp với giá trị 2.557 tỷ đồng, chiếm 62,78%.
Trên cơ sở lồng ghép các nguồn vốn, thành phố đã đầu tư làm mới, nâng cấp, sửa chữa và mở rộng được hàng trăm km đường giao thông; kiên cố hóa 57,3 km kênh mương; đầu tư 12 công sở xã, 11 trung tâm văn hóa - thể thao xã, 5 sân vận động; xây dựng thêm hàng trăm phòng học và phòng chức năng của trường học các cấp, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, bảo đảm theo tiêu chí nông thôn mới, phục vụ hiệu quả các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội, sản xuất.
Về lĩnh vực nông nghiệp, toàn thành phố đã chuyển đổi được 899,7 ha/1.700 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, như: trồng nấm ở xã Thiệu Khánh, trồng cây ăn quả ở xã Đông Vinh, rau an toàn ở xã Quảng Cát, chăn nuôi lợn ở xã Đông Lĩnh... Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ngành nông - lâm - thủy sản hàng năm giai đoạn 2012-2019 đạt 2,1%; sản lượng lương thực có hạt đạt 459,7 nghìn tấn.
Cùng với nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng được thành phố xác định là ngành kinh tế chủ đạo. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2012-2019 đạt 13,4%. Riêng năm 2019, tổng giá trị sản xuất đạt 69.291 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2012. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển toàn diện với 100% số xã được công nhận "Đơn vị đạt chuẩn văn hóa"; 100% các thôn thực hiện tốt hương ước, quy ước và được công nhận danh hiệu thôn văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 86%.
Công tác bảo tồn di sản và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa dân tộc cũng được quan tâm, chú trọng. Tất cả xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non; phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục THCS đều đạt mức độ 3. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 87,75%. Công tác bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm được thành phố và các xã tập trung chỉ đạo thực hiện, đi vào nền nếp.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đề nghị thành phố Thanh Hóa cần tiếp tục xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí đã đạt được. Thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa, xây dựng đô thị văn minh.
Thành phố cũng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Khuyến khích các dự án quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ...
Bên cạnh đó, xác định xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên, liên tục, thành phố Thanh Hóa cũng phấn đấu trong năm 2020, có 1 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là xã Hoằng Đại. Thành phố cũng từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của thành phố Thanh Hóa đạt trên 115 triệu đồng và không còn hộ nghèo.
Đồng thời, thành phố cũng từng bước đô thị hóa các xã ngoại thành, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, giàu bản sắc văn hóa.