Thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh
Chia sẻ tại “Hội thảo quốc tế ngành dệt may - da giày Việt Nam tổng kết 1 năm sau COVID-19 và phát triển bền vững” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tổ chức sáng 10/12, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho biết, dịch COVID-19 đã có tác động mạnh tới doanh nghiệp dệt may và da giày, có tới 94,2% doanh nghiệp da giày, 87,1% doanh nghiệp dệt may bị giảm đơn hàng, 84,5% doanh nghiệp da giày, 53,5% doanh nghiệp dệt may bị khách hoãn hủy đơn và 74,8 doanh nghiệp da giày, 22,9% doanh nghiệp dệt may không xuất khẩu được.
Trước những tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược về phát triển sản phẩm và tìm khách hàng mới.
“Xu hướng ngắn hạn và trung hạn là đa dạng hóa khách hàng, thị trường và sản phẩm là cứu cánh cho các doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất. Còn doanh nghiệp da giày xu hướng giảm gia công, đa dạng hóa khách hàng. Về dài hạn là xu hướng công nghệ xanh mạnh mẽ và tiếp tục tự động hóa”, bà Chi cho biết.
Một điểm đặc biệt mà khảo sát doanh nghiệp được bà Chi chỉ ra, dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp tăng mạnh nhu cầu liên kết với các doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Cụ thể, nhu cầu liên kết giữa các doanh nghiệp trong COVID-19 gồm: Liên kết để mua bán nguyên vật liệu trong nước để thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc có giá thành cao hơn; liên kết để chia sẻ đơn hàng, đặc biệt giữa các công ty lớn và các công ty vừa và nhỏ; liên kết để học hỏi kinh nghiệm của nhau như công nghệ, máy móc, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường (như xử lý nước thải, dùng năng lượng mặt trời...) và các vấn đề khác.
Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, bên cạnh những tác động về nguồn cung nguyên liệu từ COVID-19, việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ cũng đang thúc đẩy các nhà máy và cả nhãn hàng tăng cường mua bán nguyên vật liệu trong nước. Công ty Sợi Phú Bài đã thúc đẩy việc bán sợi cho nhiều doanh nghiệp FDI trong nước trong thời gian dịch.
Nhiều nhà máy may cho biết, họ đã và đang thuyết phục nhãn hàng sử dụng vải và nguyên phụ liệu trong nước thay vì nhập khẩu hoàn toàn như trước đây để tận dụng được ưu đãi thuế quan qua hiệp định CPTPP và EVFTA.
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho thấy, 46,6% doanh nghiệp đã thực hiện việc liên kết với doanh nghiệp khác và 39,5% dự định thực hiện việc liên kết trong thời gian 1-3 năm tới.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp đa phần thiếu các kênh thông tin và cơ chế hỗ trợ để liên kết. Ví dụ, hiện chưa có một cổng thông tin toàn diện về ngành dệt may và giày dép-túi xách ở Việt Nam cho phép các doanh nghiệp có thể tìm kiếm các đối tác hợp tác hiệu quả. Do đó, đa phần là ‘tự thân vận động’ bằng cách tìm hiểu qua truyền miệng hoặc quan hệ cá nhân. Cách làm hiện tại rất hạn chế về thông tin.
Cơ hội sau đại dịch COVID-19
Theo ông Vũ Đức Giang, nhu cầu của châu Âu và Hoa Kỳ trong năm 2020 giảm lần lượt là 45% và 40% với hàng may mặc, giảm 27% và 21% với giầy dép. Cho tới thời điểm quý 4/2020, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Hoa Kỳ và châu Âu, khiến cho thời điểm hồi phục của ngành thời trang về mức trước khi đại dịch được dự đoán là cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Mặc dù vậy, hai ngành dệt may và da giày Việt Nam cũng có nhiều cơ hội trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi. Trung Quốc không chỉ giảm tổng lượng xuất khẩu (lên tới 50% với một số mặt hàng) mà mức giá cũng giảm sâu nhất (20%). Hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là mặt hàng khó may, có giá trị cao, nhờ vậy mà vẫn giữ giá và mở rộng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ. Vào tháng 6/2020, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Hoa Kỳ, vị trí mà Trung Quốc chiếm giữ nhiều năm nay.
Ở thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025. Các doanh nghiệp đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược trong thời gian 1-3 năm tới. Có tới 55,7% doanh nghiệp dự định thúc đẩy tự động hóa, 49,8% sẽ phát triển sản phẩm mới, 39,9% sẽ đa dạng hơn nữa sản phẩm và 41,5% sẽ đầu tư nâng cao kĩ năng lao động.
Cũng theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có tới gần một nửa nhãn hàng thời trang cho biết sẽ tăng mua từ Việt Nam sau COVID-19, một phần do chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và một phần do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa tham gia. Số còn lại cân nhắc về việc thiếu nguyên phụ liệu khiến các nhãn hàng từ châu Âu và khối CPTPP không được hưởng ưu đãi thuế qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
“Chúng ta sẽ vượt khó trong năm 2021 và 2022, thậm chí năm 2023; đế cuối quý III/2023 nếu COVID-19 kiểm soát được thì sẽ về trạng thái bình thường của năm 2019. Các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, RCEP, CPTPP đang có kết cấu thị trường tương đối tốt”, ông Vũ Đức Giang nhận định.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy ngành dệt may, da giày phát triển trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện việc tuân thủ tiêu chuẩn lao động và môi trường theo các cam kết hội nhập, đặc biệt là CPTPP và EVFTA và tham gia trực tiếp nhiều hơn và sâu hơn vào chuỗi cung ứng để chủ động nguồn nguyên vật liệu, chiếm vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị.
Đại diện Hiệp hội dệt may cho biết, để kéo đơn hàng, cộng đồng doanh nghiệp phải xây dựng liên kết chuỗi chặt chẽ, chia sẻ thông tin, giải pháp công nghệ, quản trị, đặc biệt là chia sẻ về những đơn hàng trong bối cảnh COVID-19. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó nhưng nhiều doanh nghiệp nhận đơn hàng rất lớn. Hiệp hội đã tốt việc kết nối và san sẻ đơn hàng để các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất và phát triển.