Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) ngành dệt may tiếp cận với công nghệ mới, hiện đại, ngày 23/11 Bộ Công thương đã khai mạc triển lãm quốc tế lần thứ 16 về máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt may (VTG 2016) tại TP Hồ Chí Minh.
Triển lãm VTG 2016 chia làm 7 lĩnh vực với gần 550 gian hàng của 400 đơn vị đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Úc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Đức, Italy, New Zealand, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam, Trung Quốc… Trong đó, triển lãm tập trung trưng bày máy may, máy dệt, máy cắt vải tự động; máy kéo sợi, chế biến sợi và phụ kiện, hóa chất và thuốc nhuộm; thiết bị thêu, dệt kim; thiết bị kiểm tra và điều khiển, máy cuộn dây, màn hình dệt, máy móc in ấn trên chất liệu vải, phụ liệu may mặc, trang phục và phụ kiện.
Triển lãm VTG 2016 trưng bày nhiều thiết bị công nghệ dệt may mới đến Việt Nam. Ảnh: Lê Linh/TTXVN |
Đáng chú ý, nhiều máy móc, thiết bị tiên tiến được cung cấp bởi các nhà sản xuất nổi tiếng quốc tế cũng được trưng bày nhằm giúp các DN Việt Nam có cơ hội tiếp cận và học hỏi, chuyển giao công nghệ như: máy in lụa Heinz Walz có độ chính xác cao sản xuất 100% tại Đức; máy in màu thăng hoa Dye-sublimation tốc độ cao 1,6m sản xuất tại Hàn Quốc; máy thêu tự động đa đầu điện tử tiên tiến nhất của Tajima Nhật Bản; chuỗi máy may vi tính và máy vắt sổ cao cấp cắt chỉ tự động đến từ Hikari...
Ông Noboru Ito, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tajima châu Á, cho biết: “Với những công nghệ hiện đại của Nhật Bản đang và sẽ được mang sang đây tiếp theo sẽ làm cho sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam rất tốt trong tương lai, bên cạnh đó cũng làm cho các công ty dệt may của Việt Nam tăng được nhiều lợi nhuận. Thông qua triển lãm này cũng như cùng sự hỗ trợ của chúng tôi nói riêng và các DN đến từ các nước khác trên thế giới, tôi kỳ vọng ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam ngày càng có sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường”.
Khách đến tham quan và tìm hiểu các công nghệ dệt may đến từ Hàn Quốc. Ảnh: Lê Linh/TTXVN |
Có thể thấy, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã có những bước tiến và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung GDP của cả nước. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 22,81 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,9% so với năm 2014. Trong 10 tháng đầu năm 2016, kim ngạch của ngành này ước đạt 23,304 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,8% so với năm 2015.
Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, kết quả đó phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giá trị gia tăng chưa cao và ngành dệt may Việt Nam chưa thật sự có nhiều thương hiệu nổi tiếng. Vì vậy, để tận dụng những cơ hội đem lại từ tiến trình hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế của khu vực và thế giới, DN cần phải có kế hoạch xây dựng, phát triển thương hiệu, chủ động nguồn nguyên liệu và đầu tư máy móc hiện đại để cải tiến năng suất, chất lượng thông qua triển lãm này.
Một trong những gian hàng được trung bày tại triển lảm VTG 2016. Ảnh: Lê Linh/TTXVN |
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH KD nguyên phụ liệu Tân Đức Hải, thừa nhận: “Sự chủ động trong DN Việt Nam có thể đem đến những lợi ích trong từng đơn hàng, chi phí giảm tối đa cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh với DN nước ngoài. Thách thức lớn nhất của DN Việt Nam chính là công nghệ và tiếp cận những nguồn nguyên phụ liệu giá rẻ. Theo đó, triển lãm sẽ là một trong những cơ hội cho DN Việt để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn đang tồn đọng, đây cũng là một bước khởi đầu cho DN Việt trong một sân chơi đầy cạnh tranh”.
Cùng quan điểm trên, ông Hà Ngọc Sơn, Giám đốc hãng máy thêu Tajima Việt Nam, cũng cho rằng DN Việt nên nâng cao sức cạnh tranh bằng đổi mới công nghệ, có như vậy mới bắt kịp những công nghệ tiên tiến trên thế giới cũng như không để mất đi những đơn hàng lớn, hoặc làm giảm sản lượng xuất khẩu từ đó nền công nghiệp dệt may Việt Nam mới có cơ hội phát triển khi Việt Nam hoàn tất đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các quốc gia trên thế giới.