Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua biến động không đồng nhất



Cùng với những biến động trên các thị trường tài chính và hàng hóa khác đi liền với những biến động về kinh tế, tài chính và địa chính trị tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc, thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua cũng trồi sụt và biến động không đồng nhất.

Nhất là sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 14/6 đã cam kết sẽ hạn chế việc sản xuất dầu mỏ quá mức và giữ nguyên hạn ngạch sản lượng trần của tổ chức này ở mức 30 triệu thùng/ngày và nâng cao doanh thu cho các thành viên trong OPEC.


Phát biểu tại cuộc họp báo với các phóng viên vào chiều cuối tuần qua tại Viên (Áo), ông Abdullah El-Badri, Tổng Thư ký OPEC, cho biết kinh tế thế giới có thể sẽ "vẫn bình yên" với giá dầu ở mức cao 110 USD/thùng, bất chấp việc người tiêu dùng lo ngại rằng giá dầu đắt đỏ hơn sẽ kìm hãm nhịp độ phục hồi của kinh tế toàn cầu.


Thông thường, sản lượng giảm thì giá bị đẩy lên. Giá dầu Brent đã giảm từ mức 128 USD/thùng vào đầu tháng 5 xuống mức dưới 100 USD/thùng tại thời điểm hiện tại là do triển vọng yếu đi của nhu cầu, xuất phát từ những rối ren về kinh tế và chính trị tại Eurozone cùng việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua biến động không đồng nhất. Ảnh: Internet


Theo nhiều chuyên gia phân tích, cuộc họp tại Viên (Áo) nói trên của OPEC - tổ chức 12 thành viên, trong đó có các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới như Arập Xêút, Iran và Nigiêria, cung cấp tới 1/3 tổng lượng dầu thô trên toàn cầu - chính là sự kiện nổi bật trên thị trường dầu mỏ trong tuần qua, và cùng với những diễn biến mới nhất tại Eurozone, Mỹ, và Trung Quốc, đã chi phối giá dầu trong suốt tuần.


Giá dầu đã diễn biễn trái chiều ngay trong phiên giao dịch đầu tuần 11/6. Trong khi phục hồi mạnh mẽ trên thị trường châu Á sau khi Bộ trưởng Tài chính 17 nước thành viên Khu vực Eurozone đưa ra cam kết cho Tây Ban Nha vay 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để hỗ trợ ngành ngân hàng đang lâm nguy của nước này, cùng việc lạm phát giảm đi tại Trung Quốc (số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc trong tháng 5/2012 đã dịu xuống 3%, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2010).

Trên thị trường Âu, Mỹ, "vàng đen" lại lao dốc, với giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7/2012 tại Niu Yoóc rơi xuống mức thấp nhất trong 8 tháng, chỉ còn 82,70 USD/thùng, giảm 1,4 USD so với phiên cuối tuần trước nữa. Còn tại Luân Đôn, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1,47 USD xuống 98 USD/thùng.


Đà giảm tiếp tục lan sang phiên 12/3 trên tất cả các thị trường và duy trì quanh mức thấp nhất 8 tháng, khi giới đầu tư không bớt lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công đang leo thang ở Khu vực Eurozone, bất chấp sự sẵn sàng trợ giúp cho Tây Ban Nha. Đã có lúc trong phiên, giá dầu rớt thảm xuống tận 81,07 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2012. Thêm vào đó, đồn đoán về khả năng OPEC sẽ nâng hạn ngạch sản lượng cũng gây sức ép giảm giá lên dầu thô.


Giá dầu tiếp tục lún sâu trong phiên 13/6 trong bối cảnh xuất hiện những đồn đoán OPEC có thể sẽ không thay đổi hạn ngạch sản lượng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2012 trong cuộc họp vào ngày 14/6 của tổ chức này. Thêm vào đó là lo ngại rằng sau Tây Ban Nha sẽ tới lượt Italia phải yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) cứu trợ.

Nếu nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu này gia nhập nhóm các nước xin viện trợ từ các tổ chức quốc tế như Tây Ban Nha, Ailen, Hy Lạp và Bồ Đào Nha, các nhà đầu tư càng thêm lo ngại châu Âu có thể không đủ nguồn lực tài chính và nền kinh tế khu vực này sẽ càng bị đe dọa.


Tuy nhiên, xu hướng đi xuống của thị trường dầu mỏ đã chấm dứt trong phiên 14/6, sau cuộc họp của OPEC - tổ chức đã quyết định giữ nguyên mức sản lượng 30 triệu thùng/ngày, được duy trì kể từ sau cuộc họp hồi tháng 12 năm ngoái của OPEC. Theo giới phân tích, quyết định này của OPEC không gây bất ngờ mặc dù trước phiên họp có một số sức ép đối với việc cắt giảm sản lượng khi mà giá dầu đã giảm tới 20 USD/thùng trong mấy tháng gần đây.


Tuy nhiên, quyết định này cũng khiến giới đầu tư giải tỏa được tâm lý và có định hướng rõ ràng hơn khi nguồn cung dầu đã được khẳng định. Bên cạnh đó, giá dầu trong phiên này còn được hỗ trợ từ những đồn đoán rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tung ra gói kích thích kinh tế mới (hay còn gọi là các biện pháp nới lỏng định lượng - QE3) để hỗ trợ cho đà phục hồi còn bấp bênh của nền kinh tế Mỹ sau một loạt các số liệu kinh tế yếu kém gần đây.


Dầu ngọt nhẹ tăng, dầu Brent giảm nhẹ. Ảnh: Internet


Đóng cửa phiên 14/6, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7/2012 trên thị trường New York tăng 1,29 USD lên 83,91 USD/thùng; song tại Luân Đôn, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ vẫn giảm nhẹ 10 xu xuống 97,03 USD/thùng.


Sang đến phiên cuối tuần ngày 15/6, giá dầu tiếp tục nóng lên trên tất cả các thị trường, từ châu Á sang châu Âu, Mỹ, ngoài động lực từ kết quả cuộc họp của OPEC, còn là hy vọng tràn trề từ khả năng FED và các ngân hàng trung ương khác có thể sẽ sớm tung ra các gói kích thích kinh tế mới để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và hỗ trợ cho đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.


Đóng cửa phiên cuối tuần 15/6, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7/2012 trên thị trường New York tăng tiếp 57 xu lên 84,48 USD/thùng, cao hơn so với mức chốt 82,86 USD/thùng của cuối tuần trước nữa; trong khi tại Luân Đôn, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8 cũng tăng 41 xu lên 97,58 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, với mức giá chốt tuần nói trên (97,58 USD/thùng), giá dầu Brent vẫn thấp hơn một chút so với mức chốt của cuối tuần trước nữa là 97,70 USD/thùng.


Thùy Chi (Tổng hợp)


Giá dầu lên xuống bất nhất tại thị trường Mỹ
Giá dầu lên xuống bất nhất tại thị trường Mỹ

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/6, giá dầu tại thị trường Mỹ biến động trái chiều, giữa lúc xu hướng đầu cơ có phần gia tăng trước những đồn đoán rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ có thể điều chỉnh hạn ngạch sản lượng của tổ chức này trong cuộc họp sắp tới tại Viên (Áo).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN