Tỉnh Điện Biên đã công bố dịch tai xanh bùng phát trên gia súc tại huyện Điện Biên. Trong khi thịt lợn bị người tiêu dùng tẩy chay, ế ẩm thì các loại thực phẩm khác như thịt bò, cá... tăng giá đến chóng mặt.
Trước đó, ngày 21/3 UBND tỉnh Điện Biên ra Quyết định số 173/QĐ-UBND về việc công bố dịch tai xanh trên địa bàn huyện Điện Biên. Dịch xảy ra từ ngày 12/3, tại 11 xã thuộc huyện Điện Biên, gồm: Thanh Luông, Thanh Nưa, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luống, Sam Mứn, Noong Hẹt, Thanh An, Thanh Xương và Pa Thơm với tổng số lợn mắc bệnh trên địa bàn tính đến thời điểm này đã lên tới gần 1.000 con.
Trong khi thịt lợn bị người tiêu dùng tẩy chay, ế ẩm thì các loại thực phẩm khác như thịt bò, cá... tăng giá đến chóng mặt. Nguồn: chebien.gov.vn |
Sau khi xảy ra tình trạng trên, các gia đình trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, và một số địa phương lân cận đã bắt đầu chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác thay thế cho thịt lợn. Tại chợ Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ) trước đây có 15-16 hộ kinh doanh thịt lợn, nay chỉ còn 2 hộ mà cũng không có người mua. Các loại thực phẩm chế biến sẵn từ thịt lợn như giò, chả, pa tê, lợn quay... cũng nằm trong tình trạng tương tự, bởi người tiêu dùng không thể xác định loại thịt đó có xuất xứ từ vùng dịch hay không.
Một hộ kinh doanh thịt lợn ở chợ Mường Thanh cho biết: hiện nay, người tiêu dùng đã tẩy chay thịt lợn nên hầu hết các hộ kinh doanh mặt hàng này đã nghỉ bán hàng, hoặc chuyển sang kinh doanh các loại thực phẩm khác. Trong vòng chưa đầy một tuần, giá thịt bò đã tăng từ 170.000 đồng lên 200.000 đồng/kg. Giá cá rô, cá trắm loại 0,8-2kg đã tăng từ 45.000 đồng lên 55.000 đồng/kg... Riêng giá gà thịt biến động không lớn do nhu cầu tiêu thụ ít...
UBND huyện Điện Biên đã tổ chức lập các chốt kiểm dịch tạm thời trên các trục đường giao thông để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch; thành lập đội kiểm dịch động vật lưu động tạm thời để phát hiện dịch, kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn; tổ chức thực hiện kịp thời các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch theo quy định hiện hành để ngăn chặn dịch lây lan; xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin tai xanh và kế hoạch vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường vùng dịch.
TTXVN/ Tin Tức