“Theo đó, các hoạt động sản xuất tiêu dùng sẽ được phục hồi; tiêm chủng được mở rộng ra các tỉnh trong những tháng cuối năm. Năm 2021, tăng trưởng GDP có thể đạt khoảng 1,8%”, TS Nguyễn Đức Thành dự báo.
Cụ thể, nếu các biện pháp thích ứng với bệnh dịch được Việt Nam được thực hiện xuyên suốt, thống nhất, hàng hóa sẽ đảm bảo sản xuất, lưu thông, không bị đứt gãy từ quý 4/2021. Từ đó, các hoạt động sản xuất tiêu dùng dần hồi phục. Từ nay tới cuối năm, các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 vào nửa đầu quý 4/2021 và mở rộng ra các tỉnh sẽ giúp lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 4%; nông lâm thuỷ sản tăng 2,5%; GDP sẽ tăng ở mức 1,8 - 2%.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành cũng nêu một giả định: Nếu ở kịch bản thấp, khi mà chính sách chống dịch ở trạng thái mới chưa có sự đồng bộ; COVID-19 tái phát..., thì tăng trưởng GDP chỉ ở mức 0,2%.
Theo các chuyên gia của VEPR, hiện sức chịu đựng của doanh nghiệp đã quá giới hạn, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kiệt quệ, đầu tư và tiêu dùng theo đó cũng bị đứt gãy, suy giảm trầm trọng. Mặc dù, Chính phủ đã đưa ra quyết sách sống chung an toàn với dịch COVID-19 nhưng nhiều địa phương vẫn duy trì các điều kiện chống dịch nghiêm ngặt. Do thiếu nguồn lao động, thiếu vốn, việc doanh nghiệp mở cửa sản xuất trở lại sẽ có độ trễ từ 1 - 2 tháng, thậm chí lâu hơn. Trong khi đó, tình hình thế giới, giá nguyên liệu tăng khiến nguy cơ lạm phát tiềm ẩn, giá lương thực thực phẩm tăng trở lại do thiếu nguồn cung, cầu mở rộng, ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ bão lụt….
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, một trong những đứt gãy ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp thời gian qua là đứt gãy về lao động. Việc đưa lao động trở lại sản xuất sẽ giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung lao động trong quý 4/2021. “Để làm được điều này, Việt Nam cần đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine; ban hành quy định về luồng lao động xanh. Theo đó, lao động đáp ứng đủ điều kiện, cần công nhận đạt chuẩn an toàn, tạo điều kiện cho họ trở lại làm việc. Đây là vấn đề lớn bởi doanh nghiệp rất khó có đủ lao động cho sản xuất như trước đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4”.
Để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khuyến nghị: Cần đặt ưu tiên đẩy nhanh tiến độ quy mô tiêm chủng về các địa phương; khai thông đi lại và lưu thông hàng hoá; thực hiện các gói tài khoá tập trung vào củng cố hạ tầng, trang thiết bị y tế, lực lượng y bác sỹ; đồng thời hỗ trợ người lao động mất việc (đặc biệt trong khu vực phi chính thức)…; thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng, tức đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nhưng kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%, đi kèm với kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.
Trước đó, ông Nguyễn Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Với mức tăng trưởng 9 tháng năm 2021 là 1,42%, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% theo yêu cầu của Quốc hội và 6,5% năm 2021 theo yêu cầu của Chính phủ khó khả thi. Ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự kiến đạt 2,5%; kịch bản 2, tăng trưởng GDP là 3%.
“Với kịch bản 1, mức tăng trưởng quý 4/2021 phải đạt chỉ là 5,3%, mức này cao hơn quý 1/2021 với 4,48% nhưng thấp mức 6,61% của quý 2/2021 nên sẽ khả thi hơn là kịch bản 2”, ông Lê Trung Hiếu chia sẻ.
Để tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế, hồi phục "sức khỏe" của doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) đề xuất: Cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn lực tài chính.
Theo đó, các ngành liên quan nhanh chóng triển khai miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4 năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn. Các địa phương cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu để kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào; tránh phụ thuộc vào một thị trường để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.