Thông tin về việc điều chỉnh giá cước 3G

Ngày 8/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông họp báo thông tin về việc quản lý viễn thông, đặc biệt là việc điều chỉnh giá cước dịch vụ 3G. 

Ngày càng nhiều sử dụng dịch vụ 3G tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN.


Tại cuộc họp báo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra các căn cứ của việc điều chỉnh cước 3G của ba nhà mạng MobiFone, VinaPhone và Viettel vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết: Khi thẩm định việc đăng ký điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của các doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã căn cứ vào các quy định của pháp luật về viễn thông, về giá cạnh tranh và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. 

Theo đó, giá cước xác định trên cơ sở giá thành, cung cầu của thị trường, mặt bằng giá cước khu vực, thế giới bảo đảm môi trường cạnh tranh, hội nhập quốc tế và các doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành. 

Về giá thành, theo doanh nghiệp báo cáo giá thành của doanh nghiệp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận thì giá thành trung bình kế hoạch của năm 2013 đối với dịch vụ dữ liệu 3G là 167,66 đ/MB (chưa VAT) và 184,4 đ/MB (đã bao gồm VAT).

Trong khi, mức giá cước trung bình trên thị trường là 100 đ/MB (đã bao gồm VAT), chỉ bằng 54% giá thành. Giá cước dịch vụ dữ liệu 3G sau khi điều chỉnh trung bình là 111 đ/MB.

So sánh giá cước này với mức giá cước dịch vụ 3G ở các nước trong khu vực và trên thế giới, mức giá của Việt Nam chỉ bằng 34,9% mức giá cước trung bình của khu vực ASEAN là 318 đ/MB. Nếu so sánh tương đối theo thu nhập quốc dân bình quân đầu người thì mức giá cước của Việt Nam chỉ bằng 18% (trả trước) đến 27% (trả sau) so với mặt bằng chung thế giới, bằng 34% (trả trước) đến 57% (trả sau) so với mặt bằng chung khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

Về cung cầu trên thị trường, các doanh nghiệp đã đầu tư 27.779 tỷ đồng để triển khai mạng thông tin di động băng rộng công nghệ HSPA (3,5G) với khoảng 44.000 trạm phát sóng (tính đến quý II/2012).

Giai đoạn đầu, cung là rất lớn trong khi số lượng người sử dụng dịch vụ dữ liệu 3G lại rất ít. Vì vậy, để phát triển thuê bao và khai thác hiệu quả hạ tầng đã được đầu tư, các doanh nghiệp đã phải hạ giá cước xuống thấp. 

Tuy nhiên, hiện nay số thuê bao dịch vụ dữ liệu 3G đã tăng mạnh đến 18,9 triệu thuê bao, dung lượng tăng mạnh vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới. Để có thể tái đầu tư mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ thì việc từng bước điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G đến giá thành là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và cũng phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường. 

Để bảo đảm việc tăng giá cước theo lộ trình hợp lý, không gây tác động quá lớn đối với người sử dụng và thị trường, các doanh nghiệp đã áp dụng phương án điều chỉnh giá cước theo hướng giữ nguyên một số gói cước, điều chỉnh tăng một số gói cước, điều chỉnh giảm một số gói cước và đưa ra một số gói cước mới nhằm đáp ứng tính đa dạng nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng.

Mức độ điều chỉnh trung bình về giá cước đối với các gói cước tăng là 15%, đối với các gói cước giảm là 4,9% và nếu tính cả mức điều chỉnh tăng do thay đổi phương thức tính cước sang 50KB + 50KB thì tổng mức điều chỉnh trung bình tăng khoảng 20%. 


Cụ thể, trong số 91,21 triệu thuê bao điện thoại di động phát sinh cước trong tháng 9/2013 chỉ có 18,94 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ dữ liệu 3G chiếm tỷ trọng 20,77% (chỉ tính khách hàng thông thường không tính khách hàng lớn, khách hàng đặc biệt không điều chỉnh giá cước đợt này).

Trong số này, sau khi điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G có khoảng 2,72% số thuê bao được điều chỉnh giảm giá cước, khoảng 9,% số thuê bao được giữa nguyên giá cước và chỉ có khoảng 8,66% số thuê bao bị tăng giá cước.  Về thời gian điều chỉnh giá cước, ngày 4/10, Cục Viễn thông đã có công văn chấp thuận đăng ký điều chỉnh cước dịch vụ dữ liệu 3G và gửi cho các doanh nghiệp.

Cục Viễn thông không quy định thời gian doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá cước và các gói cước cụ thể. Việc xác định thời gian điều chỉnh giá cước và ban hành các gói cước là thẩm quyền của doanh nghiệp, tùy thuộc vào năng lực mạng lưới và điều kiện kinh doanh.

Ngày 7/10 MobiFone, ngày 10/10 Viettel và ngày 14/10 VinaPhone đã ban hành các quyết định điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G sau khi các doanh nghiệp chuẩn bị xong các vấn đề liên quan đến điều chỉnh giá cước. 

Từ những căn cứ trên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định: Việc điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G vừa qua là hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn, phù hợp với chủ trương định hướng của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các quy định của pháp luật về viễn thông và về giá cũng như điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.


Việt Hà
“Ngóng” gói cước 3G giá 10.000 đồng/tháng
“Ngóng” gói cước 3G giá 10.000 đồng/tháng

Việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G vừa qua đã làm đội chi phí sử dụng các thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) trên ô tô của các doanh nghiệp (DN) vận tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN