Thu hút đầu tư vào Tây Nguyên: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng khác biệt và lợi thế so với các khu vực khác, Tây Nguyên có khả năng phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trong đó, kinh tế nông nghiệp, nông thôn là mũi nhọn.

Giàu tiềm năng

Tây Nguyên có lợi thế phát triển các cây công nghiệp quan trọng như cà phê (chiếm 92% sản lượng cà phê của cả nước), hồ tiêu (chiếm 34% diện tích, sản lượng cả nước), cao su (chiếm 33% diện tích cao su của cả nước)… phục vụ xuất khẩu và gần đây xuất hiện tiềm năng về phát triển cây mắc - ca. Ngoài ra, Tây Nguyên cũng là vùng sản xuất rau, hoa công nghệ cao phục vụ xuất khẩu, tăng thu nhập khá lớn cho các nông hộ, các doanh nghiệp.

Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Đắk Nông đang phấn đấu hoàn thành vào tháng 6 tới.Ảnh: Huy Hùng - TTXVN



Với vị trí là lưu vực của 3 con sông lớn (Sê San, Sêrêpốk và sông Đồng Nai), Tây Nguyên có tiềm năng lớn về thủy điện (chiếm 27% tổng tiềm năng kinh tế - kỹ thuật thủy điện của Việt Nam). Tây Nguyên còn có trữ lượng khá về các loại khoáng sản như bô xít, quặng vàng, vật liệu xây dựng, đá quý, than bùn, than nâu, kim loại màu nặng. Tây Nguyên rất giàu tiềm năng khai thác du lịch với các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt (Lâm Đồng), Kon Plông (Kon Tum)…

Trong những năm qua, Nhà nước đặc biệt quan tâm tới sự phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng thông qua việc chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp xúc tiến, thu hút đầu tư hàng ngàn dự án của các nhà đầu tư trong, ngoài nước, với số vốn đăng ký lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn này đã đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp, chế biến nông, sản xuất điện năng, du lịch, dịch vụ… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.

Chỉ riêng từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 đến nay, toàn vùng đã thu hút, cấp giấy phép chứng nhận đầu tư cho 262 dự án, với số vốn đăng ký trên 50.000 tỷ đồng. Toàn vùng cũng đã có 148 dự án FDI đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 819 triệu USD. Chỉ riêng năm 2014, toàn vùng đã thu hút 11 dự án, với số vốn đăng ký gần 32 triệu USD.

Theo Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, trong thời gian qua, ngành ngân hàng luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Tây Nguyên. Đến cuối năm 2014, tổng dư nợ trên địa bàn Tây Nguyên đạt 144.646 tỷ đồng, tăng 16,28% so với cuối năm 2013, cao hơn bình quân chung của cả nước (14,02%). Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn khu vực Tây Nguyên đạt 67.599 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2013 và chiếm tỷ trọng 46,65% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của cả khu vực Tây Nguyên. Dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên đến ngày 31/12/2014 đã đạt trên 30.015 tỷ đồng, tăng 17,25% so với cuối năm 2013 (chiếm 81,1% dư nợ cho vay cà phê trong toàn quốc).

Trong đó, dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 20% trong tổng dư nợ tín dụng đối với ngành cà phê. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến 31/12/2014 tại khu vực Tây Nguyên đã đạt trên 10.953 tỷ đồng, chiếm 8,5% tổng dư nợ toàn quốc với trên 521.000 hộ còn dư nợ, tăng 8,5% so với cuối năm 2013. Về công tác an sinh xã hội, năm 2014, ngành ngân hàng đã tài trợ khu vực Tây Nguyên với tổng số tiền trên 131,6 tỷ đồng…

Vẫn còn nhiều hạn chế

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng so với các vùng khác trong cả nước, thu hút đầu tư vào Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Số lượng, quy mô các dự án đầu tư còn nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiến độ triển khai thực hiện các dự án còn chậm, hiệu quả nhiều dự án đạt thấp, nhiều doanh nghiệp chưa hài lòng khi đầu tư, kinh doanh vào Tây Nguyên… Ngay tại Đắk Lắk, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê của cả nước, hiện nay việc chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng thì còn quá yếu. Toàn tỉnh chỉ mới có 46 cơ sở chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan, với công suất thiết kế chỉ có 32.067 tấn, mới chiếm chưa đến 0,6% trong tổng sản lượng cà phê nhân trong toàn tỉnh, nên vẫn chưa nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê nhân trên địa bàn.

Để tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư vào vùng Tây Nguyên trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh trong khu vực tiếp tục cải thiện được môi trường đầu tư, nhất là cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, kể cả khâu cán bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư giải quyết nhanh, gọn các dự án, tăng cường cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Hình thành cơ chế liên kết vùng, thực hiện rà soát, bãi bỏ hoặc đề nghị bãi bỏ những quy định gây khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tạo cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư để xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, cần có sự phối hợp tốt hơn trong hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và của cả vùng.

Từ đó xác định danh mục dự án đầu tư trọng điểm, ưu tiên kêu gọi đầu tư, tránh tình trạng mạnh tỉnh nào, tỉnh đó kêu gọi đầu tư tạo nên môi trường đầu tư không lành mạnh. Trước mắt, các tỉnh Tây Nguyên khuyến khích các nhà đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc, phát triển nông, lâm nghiệp, tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học (hiện nay, có 15% diện tích canh tác của tỉnh Lâm Đồng đã ứng dụng công nghệ cao). Phát triển ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đẩy mạnh công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, công nghiệp cơ khí chế tạo, năng lượng điện gió, phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số…

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 936 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020. Chỉ đạo các địa phương tăng cường phối hợp, triển khai quy hoạch một cách hiệu quả, gắn kết các tiềm năng lợi thế, tạo tiếng nói chung để thu hút đầu tư, phát triển. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm hơn nữa đối với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (cả về hạ tầng kinh tế lẫn xã hội) cho vùng Tây Nguyên.

Đặc biệt là nâng cấp các trục đường huyết mạch, nhằm đảm bảo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thuận lợi cho các nhà đầu tư đến Tây Nguyên đầu tư. Cần nghiên cứu và sớm ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích đặc thù thu hút đầu tư cho khu vực Tây Nguyên nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên và tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành về phát triển một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để vùng Tây Nguyên thu hút được mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư để phát triển nhanh, bền vững, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Quang Huy
Lâm Đồng thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Lâm Đồng thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, Lâm Đồng đạt được những kết quả đáng kể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN